THÁNG 5 NĂM 2013

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

1.
Xác định giá mua của phần vốn chuyển nhượng khi kê khai thuế TNDN

Theo Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định giá mua của phần vốn chuyển nhượng khi kê khai thuế TNDN như sau:

◆ Nghĩa vụ kê khai nộp thuế TNDN trường hợp chuyển nhượng vốn:

Trường hợp phát sinh lợi nhuận do chuyển nhượng, bên chuyển nhượng có trách nhiệm kê khai và nộp thuế TNDN trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chuẩn y việc chuyển nhượng vốn.
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng – Giá mua của phần vốn chuyển nhượng – Chi phí chuyển nhượng

◆ Giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định đối với từng trường hợp như sau:
  • Nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là giá trị phần góp vốn trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán tại thời điểm chuyển nhượng vốn và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp là 100% vốn nước ngoài.
  • Nếu là phần vốn do mua lại thì giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua, Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.
2.
Chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con

Theo công văn số 1302/TCT-CS do Tổng cục thuế ban hành ngày 24/4/2013, căn cứ Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính, ngoài các khoản trợ cấp do Bảo hiểm xã hội chi trả, trường hợp Công ty chi bồi dưỡng thêm cho lao động nữ sau khi sinh con (lần thứ nhất hoặc lần thứ hai) nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

2. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“VAT”)

1.
Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Ngày 15/05/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 64/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa cung ứng dịch vụ,

Nội dung đáng chú ý là quy định về đối tượng được tạo hóa đơn tự in.
Cụ thể, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được tạo hóa đơn tự in kể từ khi có mã số thuế gồm: Doanh nghiệp được thành lập trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ 01 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn.

Tổ chức kinh doanh đang hoạt động không thuộc các trường hợp nêu trên được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng, cung ứng dịch vụ nếu đáp ứng các điều kiện: đã được cấp mã số thuế; có doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; có hệ thống thiết bị (máy tính, máy in, máy tính tiền) bảo đảm cho việc in và lập hóa đơn; là đơn vị kế toán và có phần mềm tự in hóa đơn đảm bảo định kỳ hàng tháng dữ liệu từ phần mềm tự in hóa đơn phải được chuyển vào sổ kế toán; không bị xử phạt vi phạm về thuế hoặc đã bị xử phạt và chấp hành xử phạt mà tổng số tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế dưới 50 triệu đồng trong vòng 365 ngày tính liên tục từ ngày thông báo phát hành hóa đơn tự in lần đầu trở về trước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Bãi bỏ Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010, Thông tư số13/2011/TT-BTC ngày 08/02/2011 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010.

2.
Thông tư số 65/2013/TT-BTC ngày 17/5/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng

Ngày 17/5/2013, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 65/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2012/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng. Theo đó, doanh nghiệp chế xuất khi thuê nhà xưởng sẽ được hưởng thuế suất 0%.
Thông tư này đã khắc phục được điểm bất hợp lý tại Thông tư số 06 khi hướng dẫn dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất thuê nhà xưởng không được coi là dịch vụ xuất khẩu để được hưởng thuế suất 0%.

Trường hợp từ ngày Thông tư 06/2012/TT-BTC có hiệu lực (ngày 01 tháng 3 năm 2012), nếu bên cho thuê xưởng đã lập hóa đơn tính thuế GTGT khi cho doanh nghiệp chế xuất thuê xưởng thì các bên lập hóa đơn GTGT điều chỉnh lại hóa đơn đã lập về mức thuế suất 0%.

3. VẤN ĐỀ KHÁC

1.
Chính sách thuế môn bài đối với người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh

Ngày 18/4/2013 Tổng cục Thuế có công văn số 1263/TCT-KK hướng dẫn chính sách thuế môn bài đối với Người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh.
Trường hợp Người nộp thuế thực hiện đúng các quy định về thông báo cho cơ quan thuế việc tạm ngừng kinh doanh thì kê khai, nộp thuế môn bài như sau:

  • Đối với Người nộp thuế có thông báo tạm ngừng kinh doanh cả năm dương lịch (01/01-31/12) thì không phải kê khai, nộp thuế môn bài đối với năm dương lịch tạm ngừng kinh doanh. Nếu người nộp thuế ra kinh doanh trước thời hạn trong 06 tháng đầu năm nộp mức thuế môn bài cả năm; nếu người nộp thuế ra kinh doanh trong 06 tháng cuối năm nộp 50% mức thuế môn bài cả năm.
  • Đối với Người nộp thuế có thông báo tạm ngừng kinh doanh 12 tháng, không trùng với năm dương lịch (thời gian tạm nghỉ kinh doanh kéo dài trong 02 năm dương lịch) thì thực hiện kê khai, nộp thuế môn bài cả năm của năm dương lịch thứ nhất. Đối với năm dương lịch thứ 2, nếu Người nộp thuế ra kinh doanh trong 06 tháng đầu năm nộp mức thuế môn bài cả năm; nếu người nộp thuế ra kinh doanh trong 06 tháng cuối năm nộp 50% mức thuế môn bài cả năm.
2.
Chính sách và trợ cấp nghỉ thai sản đối với lao động nữ
◆ Chính sách thai sản đối với lao động nữ

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn số 1477/BHXH-CSXH ngày 23/4/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản đối với lao động nữ theo quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ban hành ngày 18/6/2012. Đối với lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày 1/5/2013, trường hợp đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh theo quy định của Luật BHXH (4 tháng) thì tiếp tục được nghỉ thêm 2 tháng theo quy định của Luật lao động. Trường hợp thời gian nghỉ thai sản theo quy định của Luật BHXH (4 tháng) đã kết thúc vào ngày 30/4/2013 hoặc trước ngày này thì sẽ không được nghỉ thêm theo quy định của Bộ luật lao động.

Ngoài ra, thời gian tính hưởng chế độ thai sản được tính từ ngày lao động nữ thực tế nghỉ việc để sinh con, bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần. Trường hợp nghỉ việc trước khi sinh con hơn 2 tháng thì được tính từ thời điểm đủ 2 tháng trước khi sinh con. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

◆ Trợ cấp nghỉ thai sản

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Công văn số 1187/BHXH-CĐBHXH ngày 25/4/2013 về việc hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật lao động số 10/2012/QH13. Trường hợp lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày 1/5/2013 nhưng đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh và tiếp tục được nghỉ thêm 2 tháng theo quy định của Luật lao động số 10/2012/QH13 ban hành ngày 18/6/2012, trường hợp đã nhận 4 tháng trợ cấp thai sản thì lập hồ sơ bổ sung để lãnh tiếp 2 tháng tiền trợ cấp. Hồ sơ bổ sung bao gồm:

  • Lập mới mẫu C67a-HD
  • 1 bản photo mẫu C67a-HD đã được cơ quan BHXH giải quyết trước đây.