THÁNG 10 NĂM 2017

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”)

Công văn số 66618/CT-TTHT ngày 10/10/2017 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc thuế GTGT bị Hải quan ấn định vẫn được khấu trừ

Căn cứ khoản 10, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Theo khoản 6, Điều 14, Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

“6. Số thuế GTGT đã nộp theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan được khấu trừ toàn bộ, trừ trường hợp cơ quan hải quan xử phạt về gian lận, trốn thuế”

Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài Chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TTBTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) hướng dẫn các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Theo đó, trường hợp Công ty bị cơ quan hải quan ấn định thuế GTGT nhưng không bị xử phạt về gian lận, trốn thuế thì số thuế GTGT đã nộp theo quyết định ấn định thuế sẽ được khấu trừ toàn bộ.

Riêng số thuế nhập khẩu bị ấn định thì được hạch toán vào chi phí hợp lý, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC

 

Công văn số 4657/TCT-KK ngày 11/10/2017 của Tổng cục Thuế về việc hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu không thanh toán qua ngân hàng

Căn cứ Điều 16, Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài Chính, một trong những điều kiện để khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng.

Căn cứ Điều 9 thông tư này, một trong những điều kiện được áp dụng thuế suất 0% là “Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật”

Cũng theo quy định tại điều 17 thông tư này, trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa được coi như xuất khẩu nếu đã có xác nhận của cơ quan Hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không có đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Như vậy, trường hợp Công ty không đáp ứng điều kiện về thanh toán qua ngân hàng hoặc không có một trong số các giấy tờ để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định tại điểm d khoản 3 điều 16 thông tư 219/2013/TT-BTC thì :

+ Hàng hóa không đủ điều kiện áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% khi xuất khẩu

+ Công ty không được khấu trừ và hoàn thuế đối với số thuế GTGT đầu vào tương ứng với lô hàng xuất khẩu

 

2. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

Công văn số 17942/CT-TT&HT ngày 20/10/2017 của cục thuế Bình Dương về ưu đãi thuế TNDN và hoàn thuế GTGT hoạt động xây dựng nhà xưởng

Căn cứ khoản 4, Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điểm a, Khoản 6, Điều 18, Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 5 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định về đầu tư mở rộng.

Căn cứ điểm c, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với dự án đầu tư,

Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 sửa đổi, bổ sung Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về hoàn thuế đối với dự án đầu tư,

Như vậy:

+ Trường hợp công ty thực hiện xây dựng thêm nhà xưởng nhưng không thực hiện thay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty không tăng vốn, Công ty xây dựng thêm nhà xưởng mới và sử dụng máy móc thiết bị cũ di chuyển từ nhà xưởng cũ sang để tiếp tục thực hiện dự án cũ không tạo ra thu nhập tăng thêm từ việc xây dựng nhà xưởng mới. Do đó không ảnh hưởng đến ưu đãi thuế TNDN,

+ Trường hợp Công ty không mở rộng quy mô sản xuất, không nâng cao công suất, không đổi mới công nghệ sản xuất nên không tạo ra dự án đầu tư mở rộng do đó không thuộc đối tượng xét ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng,

+ Công ty không thực hiện kê khai tăng tài sản cố định vào tờ khai 02/ GTGT khi không có dự án đầu tư.

 

Công văn số 6435/TCHQ-TXNK ngày 2/10/2017 của Tổng cục Hải quan về việc kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu

Căn cứ quy định tại Điều 10, Điều 12, Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016; khoản 1 Điều 37, khoản 3 Điều 39 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015; khoản 3 Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì một trong những cơ sở để được miễn thuế,hoàn thuế là:

+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam,

+ Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực hiện thông báo cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan;

Do đó, một trong những nội dung cơ quan hải quan kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, năng lực gia công, sản xuất là kiểm tra chứng từ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp về nhà xưởng, mặt bằng sản xuất để xác định ưu đãi thuế đối với người nộp thuế trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.

Trường hợp người nộp thuế không đáp ứng quy định trên thì không được miễn thuế, hoàn thuế theo quy định.

 

3. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”)

Bộ tài chính đề xuất biểu thuế TNCN mới

Vừa qua, Bộ Tài chính họp báo thông tin về những điểm đề xuất trong một luật thuế sửa đổi mới, trong đó có đề xuất áp dụng biểu thuế TNCN mới.

Để thực hiện chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ cho sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm bậc thuế chỉ còn 5 bậc và giãn khoảng cách giữa các bậc.

Thời gian qua, nhiều ý kiến phản ảnh biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc là quá nhiều. Hơn nữa, khoảng cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến thu nhập của người dân vừa tăng một chút đã phải chịu bậc thuế cao hơn, tăng số thuế phải nộp. Ngoài ra, thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp.

Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thuế, 70% người nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công nộp thuế từ bậc 2 trở xuống. Việc sửa đổi biểu thuế lũy tiến này, theo Bộ tài chính, chắc chắn sẽ giúp những người đang có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 và 2 hiện nay sẽ có lợi bởi số tiền thuế phải nộp sẽ giảm. Như vậy, đa số người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương được giảm thuế.

Có thể nói, việc sửa đổi lần này nếu được thông qua sẽ giúp cho việc tính thuế TNCN phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán cho người nộp thuế.

Biểu thuế lũy tiến thuế TNCN đang áp dụng

BẬC THUẾ PHẦN THU NHẬP TÍNH THUẾ/THÁNG (triệu đồng) THUẾ SUẤT(%)
1 Đến 5 5
2 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 80 35

Biểu thuế lũy tiến thuế TNCN đề xuất sửa đổi

BẬC THUẾ PHẦN THU NHẬP TÍNH THUẾ/THÁNG (triệu đồng) THUẾ SUẤT(%)
1 Đến 10 5
2 Trên 10 đến 30 10
3 Trên 30 đến 50 20
4 Trên 50 đến 80 28
5 Trên 80 triệu 35

Nguồn tin: tuoitre.vn

 

4. KHÁC

14 khoản thu nhập không tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Căn cứ quy định tại Điều 30 thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH hướng dẫn về luật BHXH thì từ ngày 01/01/2018, ngoài những khoản thu nhập phải tính đóng BHXH bắt buộc như hiện hành, quy định bổ sung thêm một số khoản khác cũng thuộc trường hợp phải đóng BHXH tại khoản 3 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH:
“a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.”

Tuy nhiên vẫn còn những khoản thu nhập của NLĐ không phải tính đóng BHXH bắt buộc (hiện hành không tính đóng và sau 01/01/2018 cũng không tính đóng); bởi vậy, nếu doanh nghiệp biết cách phân bổ một phần thu nhập của NLĐ vào các khoản thu nhập không phải tính đóng BHXH bắt buộc phù hợp với quy định thì NLĐ và doanh nghiệp sẽ giảm số tiền đóng BHXH bắt buộc.

14 khoản thu nhập không tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (hiện hành không tính đóng và sau ngày 01/01/2018 cũng không tính đóng)

1. Tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của bộ Luật lao động 2012

2. Tiền thưởng sáng kiến

3. Tiền ăn giữ ca

4. Tiền hỗ trợ xăng xe

5. Tiền hỗ trợ điện thoại

6. Tiền hỗ trợ đi lại

7. Tiền hỗ trợ giữ trẻ

8. Tiền hỗ trợ nhà ở

9. Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ

10. Tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết

11. Tiền hộ trợ lao động có người thân kết hôn

12. Tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động

13. Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
14. Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khách ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Lưu ý: Việc phân bổ này bắt buộc phải thực hiện đúng trên quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế để đảm bảo được quyền lợi chính đáng của NLĐ (mọi hành vi “lách luật” phân bổ thu nhập không đúng thực tế và pháp luật sẽ dẫn đến nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng BHXH theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017).