THÁNG 12 NĂM 2017

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”)

Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ

Về hoàn thuế GTGT

Bổ sung các trường hợp hàng hóa xuất khẩu được hưởng thuế GTGT 0%, bao gồm: hàng được sản xuất từ tài nguyên khoáng sản (TNKS) đã chế biến thành sản phẩm khác và hàng được sản xuất từ TNKS theo một quy trình khép kín

Ngoài ra, theo sửa đổi tại khoản 2 Điều 1, hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan hoặc xuất khẩu ra nước ngoài sẽ được hoàn thuế GTGT, nếu xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan.

Về thuế TNDN

Điều chỉnh tăng hạn mức hạch toán chi phí mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động từ 1 triệu lên 3 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động lại bị khống chế ở hạn mức không quá 3 triệu đồng/người, thay vì trước đó không khống chế.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2018

 

Công văn số 5778/TCT-KK ngày 18/12/2017 của Tổng cục Thuế về việc kê khai thuế GTGT

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 quy định:

“Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra; nếu người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp và được kiểm tra, thanh tra (liên quan đến thời kỳ, phạm vi kiểm tra, thanh tra) còn sai sót thì người nộp thuế được tự khai bổ sung, điều chỉnh; việc xử lý căn cứ chế độ quy định và nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc khai sót, chưa đúng phải điều chỉnh”.

Theo đó, trường hợp sau thời điểm thanh tra thuế, doanh nghiệp tự phát hiện hóa đơn đầu vào bỏ sót, kể cả hóa đơn liên quan đến kỳ tính thuế đã bị thanh tra thì vẫn được kê khai khấu trừ.

 

2. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

Công văn 79215/TT-CTHT ngày 07/12/2017 Của cục thuế Hà Nội về chinh sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi phí trích trước

Theo đó, trường hợp Công ty có cung cấp dịch vụ tư vấn với khách hàng, doanh thu đã phát sinh trong năm nhưng chưa có hóa đơn và chứng từ thanh toán. Công ty đã thực hiện trích trước các khoản chi phí thuê nhân công, phí vận chuyển,... đề phù hợp với chuẩn mực kế toán, sau đó các khoản trích trước này sẽ được thực tế thanh toán vào quý 1 năm sau thì:

- Công ty được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản trích trước này tương ứng với doanh thu đã ghi nhận căn cứ khoản 2.20 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC

- Khi kết thúc hợp đồng, Công ty phải tính toán và xác định lại dựa trên hóa đơn, chứng từ thực tế phát sinh và điều chỉnh vào kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định nghĩa vụ thuế TNDN.

 

3. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”)

Đề xuất phương án bỏ quyết toán thuế TNCN

Hiện tại, trong năm, cá nhân phát sinh thu nhập được cơ quan chi trả tạm khấu trừ theo Biểu thuế lũy tiến, đối với trường hợp không ký hợp đồng lao động thì khấu trừ theo thuế suất 10% đối với thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên từng lần chi trả. Cá nhân có nhiều nguồn thu nhập trong năm thì đến cuối năm nếu phát sinh số thuế phải nộp thêm hoặc phát sinh số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thì phải quyết toán thuế.

Thực tế nhiều cá nhân không nhớ chính xác các khoản thu nhập đã khấu trừ tại nguồn nên việc phải tự tổng hợp thu nhập để xác định có phải nộp thêm hoặc được hoàn hay không là rất khó khăn. Trong thực hiện đã phát sinh nhiều trường hợp khi cơ quan thuế phát hiện vừa bị truy thu thuế vừa bị phạt, gây bức xúc cho người nộp thuế.

Theo Tổng cục Thuế, năm 2015, cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 17.709.989 người, trong đó có 9.376.222 cá nhân đã quyết toán thuế. Khoảng trên 50% các trường hợp quyết toán có số thuế chênh lệch nhỏ (bao gồm cả trường hợp nộp thêm và trường hợp được hoàn) nhưng người nộp thuế và cơ quan thuế vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục phức tạp. Ngoài ra, số lượng cá nhân trực tiếp quyết toán thuế khoảng 1% so với số lượng người nộp thuế. Tuy nhiên, số lượng này vẫn gây quá tải cho cơ quan thuế tại thời điểm quyết toán hàng năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải sửa đổi lại cách tính thuế để đảm bảo hạn chế tối đa các trường hợp phải quyết toán thuế. Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định quyết toán thuế TNCN theo 2 phương án như sau:

❖ Phương án 1: Bỏ quyết toán thuế, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tính thuế TNCN hàng tháng theo biểu thuế lũy tiến, cuối năm tổ chức chi trả có trách nhiệm tính lại theo thu nhập bình quân 12 tháng để xác định cá nhân phải nộp thêm hoặc nộp thừa và tự bù trừ cho cá nhân.
Đối với cá nhân làm việc có ký hợp đồng lao động tại nhiều nơi thì tính thuế TNCN hàng tháng theo biểu thuế lũy tiến tại từng nơi và cuối năm không phải gộp chung để tính lại

Đối với thu nhập vãng lai (không ký hợp đồng lao động) thì khấu trừ theo thuế suất 10% đối với thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên từng lần chi trả, không được tính giảm trừ gia cảnh tương tự như các khoản thu nhập chịu thuế TNCN khác (kinh doanh, trúng thưởng, đầu tư vốn…) kể cả có thu nhập vãng lai từ nhiều nguồn.

Cá nhân chỉ được tính giảm trừ gia cảnh tại 1 nơi có tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Cá nhân phải tự xác định nơi tính giảm trừ gia cảnh duy nhất trong năm và không được điều chỉnh lại trong năm nếu không thay đổi nơi làm việc.

Nhược điểm của phương án 1:

Không phù hợp với thông lệ quốc tế là thuế TNCN phải được tính trên tổng thu nhập trong năm từ tất cả các nguồn và chỉ áp dụng một biểu thuế lũy tiến.

Ngoài ra, với nguyên tắc chỉ tính thuế tại nơi khấu trừ và không điều chỉnh lại thì sẽ không thu thuế được từ cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam nhưng nhận thu nhập tại nước ngoài - như vậy sẽ từ bỏ quyền đánh thuế tại Việt Nam theo các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

❖ Phương án 2: Vẫn giữ quy định quyết toán thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng bổ sung quy định ngưỡng tiền thuế dưới 300.000 đồng thì không xử lý hoàn thuế hoặc phải nộp thêm.

Nhược điểm của phương án 2:

Vẫn còn quy định về quyết toán thuế nên vẫn có thể xảy ra tình trạng phải hoàn thuế, nộp thêm thuế, xử phạt do không quyết toán đúng hạn, quá tải tại thời điểm quyết toán.

 

4. HÓA ĐƠN

Công văn số 5483/TCT-DNL ngày 28/11/2017 của Tổng Cục Thuế về lập hóa đơn đối với quà tặng

Trường hợp Công ty tặng quà cho khách hàng vào dịp lễ, tết, hội nghị khách hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì cuối mỗi ngày công ty được lập chung một hóa đơn GTGT ghi số tiền thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định (không phân biệt giá trị quà tặng trên 200.000đ hay dưới 200.000đ).

So với công văn số 5852/CT-TTHT ngày 22/6/2017 của cục thuế Hồ Chí Minh, Tổng cục thuế đã cho phép mở rộng thêm trường hợp được phép lập hóa đơn tổng là: tặng quà trong dịp lễ, tết, bất kế quà tặng trên hay dưới 200,000.

Để giảm thiểu rủi ro về thuế, khi tặng quà trong các trường hợp bên trên, Công ty cần có chương trình, kế hoạch và danh sách khách mời cụ thể.