THÁNG 1 NĂM 2018

日本語版PDF日本語版PDF ベトナム語版PDFベトナム語版PDF

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”)

Công văn số 298/TCT-KK ngày 19/1/2018 của Tổng cục Thuế về việc hoàn thuế GTGT

Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 99/2016/TT-BTC, trường hợp cơ quan thuế xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn thì giải quyết hoàn số thuế đã đủ điều kiện hoàn, không chờ kiểm tra xác minh toàn bộ hồ sơ mới thực hiện hoàn thuế. Do đó, hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp đáp ứng đến đâu thì cơ quan thuế căn cứ pháp lý giải quyết đến đó.

Công văn số 271/TCT-CS ngày 17/1/2018 của Tổng cục Thuế về hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC, kể từ ngày 1/7/2016, số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không được vượt quá 10% doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Số thuế GTGT vượt quá 10% doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải kết chuyển sang khấu trừ/hoàn thuế ở kỳ thuế tiếp theo.

2. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”)

Công văn số 6005/TCT-TNCN ngày 29/12/2017 của Tổng cục Thuế về hồ sơ chứng minh số thuế TNCN nộp ở nước ngoài.

Căn cứ điểm b.2.1, Khoản 3, Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, trường hợp cá nhân khai quyết toán trực tiếp với Cơ quan thuế, có số thuế TNCN đã nộp ở nước ngoài, nếu muốn giảm trừ số thuế TNCN đã nộp ở nước ngoài vào số thuế phải nộp ở Việt Nam thì phải có những hồ sơ chứng minh bao gồm:

- Bản chụp tờ khai thuế TNCN ở nước ngoài
- Bản chụp chứng từ khấu trừ thuế ở nước ngoài
- Thư xác nhận thu nhập do Công ty xác nhận số thuế TNCN đã khấu trừ của người nộp thuế ở nước ngoài.

Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản chụp đó và các thông tin trên hồ sơ người nộp thuế cung cấp phải đầy đủ, rõ ràng và có mối liên hệ với nhau, đảm bảo xác định được số thuế được khấu trừ là số thuế đã nộp ở nước ngoài.

Công văn số 3313/CT-TTHT ngày 22/1/2018 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xác định đối tượng cư trú

Theo quy định tại điểm b.2 khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, về nguyên tắc, người nước ngoài nếu có hợp đồng thuê nhà ở Việt Nam trên 183 ngày trong năm thì được xác định là cá nhân cư trú ở Việt Nam.

Riêng trường hợp cá nhân có nhà thuê để ở tại Việt Nam với thời hạn hợp đồng thuê nhà trên 183 ngày trong năm tính thuế nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày, nếu cá nhân này không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Ngược lại, nếu có giấy tờ chứng minh là đối tượng cư trú ở nước ngoài thì được xác định là cá nhân không cư trú tại Việt Nam.

Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú hoặc hộ chiếu.

3. HÓA ĐƠN

Công văn số 1984/CT-TTHT ngày 15/1/2018 của Cục Thuế TP.Hà Nội về ủy quyền ký hóa đơn.

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC , trường hợp thủ trưởng đơn vị không ký vào tiêu thức người bán hàng thì phải có giấy ủy quyền của Thủ trưởng đơn vị cho người trực tiếp bán ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn.

Điều khoản này không hạn chế số lượng người bán hàng được ủy quyền ký hóa đơn. Do đó, thủ trưởng công ty có thể ủy quyền cho một hoặc một số người trực tiếp bán hàng ký hóa đơn tùy theo nhu cầu.

Cần lưu ý, hóa đơn do người bán hàng ký theo ủy quyền chỉ được đóng dấu treo vào phía trên, bên trái của tờ hóa đơn.

4. KHÁC

Công văn số 82450/CT-TTHT ngày 26/12/2017 của Cục Thuế TP. Hà Nội về hồ sơ giao dịch liên kết

Theo công văn, trường hợp Công ty có chức năng kinh doanh đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với các ngành nghề như sau:

- Phân phối : từ 5% trở lên
- Sản xuất: từ 10% trở lên
- Gia công: từ 15% trở lên

Thì Công ty được miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, chỉ cần kê khai giá theo Mẫu số 01

Căn cứ luật:
- Điều 2 nghị định 20/2017/ND-CP ngày 24/02/2017
- Điều 5 nghị định 20/2017/ND-CP ngày 24/02/2017
- Khoản 2 điều 11, nghị định 20/2017/ND-CP ngày 24/02/2017

Đẩy mạnh nghĩa vụ báo cáo định kỳ về hoạt động mua bán hàng hóa của công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Ngày 15/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dưới đây gọi là “Nghị định 09”). Theo Điều 40 Nghị định 09, công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hóa có trách nhiệm nộp báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa như sau:

- Mẫu báo cáo: theo mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành theo Nghị định 09 (dưới đây gọi là “Báo cáo này”).
- Cơ quan nhận báo cáo: Sở công thương nơi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở
- Thời hạn báo cáo: trước ngày 31/01 hàng năm

Ngoài ra, theo điểm đ, khoản 1 điều 41 Nghị định 09, hành vi không nộp Báo cáo này theo quy định trên có thể trở thành lý do Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa bị thu hồi. Thật ra, nghĩa vụ báo cáo định kỳ này đã được quy định trong các văn bản quản lý trước đây (theo điều 21 Thông tư 08/2013/TT-BCT hướng dẫn hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), tuy nhiên trước đây không có chế tài thu hồi giấy phép cho việc không nộp báo cáo định kỳ này, Với việc Nghị định 09 được ban hành, nghĩa vụ nộp báo cáo định kỳ này được quản lý chặt chẽ hơn, do đó các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ thực hiện.

Nghị định 09 có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, vì vậy về nguyên tắc các doanh nghiệp hoạt động mua bán hàng hóa cần chuẩn bị và nộp Báo cáo này trước ngày 31/1/2018.