ReportBáo cáo

Đề tài: Một số điểm lưu ý về thỏa ước lao động tập thể

2023/04/19

  • Tran Ha My

Mở đầu

Thỏa ước lao động tập thể là một trong những quy định quan trọng nhất trong doanh nghiệp, ghi nhận thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với tập thể người lao động về những quyền lợi mà người lao động sẽ được hưởng cũng như một số nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện. Vì vậy, thông qua bài viết này, tác giả sẽ cung cấp một số thông tin cơ về thỏa ước lao động tập thể; trình tự, thủ tục khi ký kết cũng như những lưu ý khi thực hiện thỏa ước lao động tập thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quan trọng này.

1. Thỏa ước lao động tập thể là gì?

 Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản. Theo đó, thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là tổ chức đại diện người lao động với một bên là người sử dụng lao động/tổ chức đại diện người sử dụng lao động, nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ và ổn định. Thương lượng tập thể sẽ được tiến hành trên nguyên tắc “tự nguyện” vì vậy pháp luật không quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải ký kết Thỏa ước lao động tập thể mà sẽ tùy theo thương lương của các bên.

2. Nội dung chủ yếu của thỏa ước lao động tập thể

Theo quy định BLLĐ 2019, nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật nhưng “khuyến khích” có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.[1] Các nội dung chủ yếu như sau:[2]

-Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác;
-Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca
-Bảo đảm việc làm đối với người lao động;
-Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động; v.v.

3. Một số điểm lưu ý khi ký kết thỏa ước lao động tập thể:

3.1. Quy trình lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể: [3]
Quy trình lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể sẽ bao gồm 4 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động đàm phán để tạo dự thảo thỏa ước lao động tập thể.

Bước 2: Lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp về dự thảo thỏa ước lao động tập thể.
Các vấn đề liên quan đến thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể sẽ do tổ chức đại diện người lao động quyết định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng.
Trong quá trình tổ chức đại diện người lao động lấy ý kiến biểu quyết về dự thảo thỏa ước, người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp.

Bước 3: Ký kết thỏa ước lao động tập thể
Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng. Lưu ý rằng, thỏa ước chỉ được ký khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.

Bước 4: Gửi thỏa ước lao động tập thể
Người sử dụng lao động tham gia thỏa ước phải gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp nếu doanh nghiệp nằm trong khu công nghiêp) nơi đặt trụ sở chính trong vòng 10 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể được ký kết.

Bước 5: Công bố thoả ước lao động tập thể cho người lao động biết sau khi được thỏa ước được ký kết.

3.2. Hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể
Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận thì ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.[4]

Thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp.[5]

3.3. Sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể
Khi các bên có những thỏa thuận đi đến việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể, các bên phải tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lại từ đầu với quy trình tương tự tại mục 3.1.[6]

Ngoài ra, khi các quy định pháp luật thay đổi dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật thì các bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, quyền lợi của người lao động sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.[7]

3.4. Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể
Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.[8]

Khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn, các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới trong thời hạn 90 ngày trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn.[9]

Thỏa ước lao động tập thể phải được lấy ý kiến như tại Bước 2 ở mục 3.1 trong trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể. Theo đó, pháp luật không quy định cụ thể thỏa ước lao động tập thể có phải ký lại và gửi cho cơ quan chuyên môn về lao động hay không. Tuy nhiên, theo quan điểm tác giá, bởi vì thời hạn của thỏa ước lao động tập thể cũng là một trong những nội dung được thỏa thuận tại thỏa ước, nếu thay đổi nội dung này thì các bên cũng cần phải lấy ý kiến, ký kết và gửi lại cho cơ quan chuyên môn tương tự như việc sửa đổi thỏa ước lao động tập thể tại mục 3.3.

Nếu các bên vẫn tiếp tục thương lượng khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn, thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. [10]

4. Thực hiện thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể được các bên tuân thủ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Lưu ý rằng, người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, vẫn có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực.[11]

Thỏa ước lao động tập thể sẽ được áp dụng trong trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, nếu người sử dụng lao động có những quy định chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể thì phải được sửa đổi cho phù hợp Trong thời gian chưa sửa đổi thì nội dung tương ứng tại thỏa ước lao động tập thể sẽ được áp dụng.[12]

Khi phát hiện việc không thực hiện đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể thì các bên có trách nhiệm cùng xem xét giải quyết, nếu không giải quyết được, các bên có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

Kết luận

Tóm lại, pháp luật Việt Nam không bắt buộc tất cả các doanh nghiệp sẽ phải ký kết và ban hành thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, thỏa ước lao động tập thể lại là thỏa thuận có thể điều tiết & dung hòa quyền và lợi ích giữa các các bên trong quan hệ lao động; ngăn ngừa các xung đột về lợi ích và là cơ sở để các bên giải quyết các tranh chấp lao động. Vì vậy, tùy theo tình hình doanh nghiệp và mong muốn của doanh nghiệp và người lao động, thì các bên tiến hành thủ tục đàm phán, ký kết, ban hành thỏa ước lao động tập thể phù hợp theo quy định pháp luật.

[1] Điều 75 Bộ luật Lao động 2019.
[2] Điều 67 Bộ luật Lao động 2019.
[3] Điều 76, 77 Bộ luật Lao động 2019.
[4] Khoản 1 Điều 78 Bộ luật Lao động 2019.
[5] Khoản 2 Điều 78 Bộ luật Lao động 2019.
[6] Khoản 1 Điều 82 Bộ luật Lao động 2019.
[7] Khoản 2 Điều 82 Bộ luật Lao động 2019.
[8] Khoản 3 Điều 78 Bộ luật Lao động 2019.
[9] Điều 83 Bộ luật Lao động 2019.
[10] Điều 83 Bộ luật Lao động 2019.
[11] Khoản 1 Điều 79 Bộ luật Lao động 2019.
[12] Khoản 2 Điều 79 Bộ luật Lao động 2019.

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo