Tin pháp luật
Những điểm doanh nghiệp cần lưu ý khi mức lương tối thiểu vùng tăng
2024/01/18
Tiếp nối bản tin “Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt phương án trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2024” được đưa vào ngày 21/12/2023, chúng tôi tiếp tục cập nhật một số ảnh hưởng quan trọng của việc tăng mức lương tối thiểu vùng mà NSDLĐ cần nắm bắt trong thời gian chờ đợi quyết định chính thức từ Chính phủ:
1.Ảnh hưởng đến Thang, bảng lương:
Trong trường hợp khung/mức lương thấp nhất trong Thang, bảng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới thì người sử dụng lao động phải thực hiện điều chỉnh khung/mức lương thấp nhất tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng mới.
Ngoài ra, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể NLĐ tại cơ sở (như công đoàn cơ sở) về việc sửa đổi Thang, bảng lương và công bố công khai Thang, bảng lương sửa đổi tại nơi làm việc của NLĐ trước khi áp dụng .
2.Ảnh hưởng tăng chi phí nhân công:
Tiền lương tối thiểu vùng là căn cứ tối thiểu để người sử dụng lao động thỏa thuận tiền lương với NLĐ tại HĐLĐ để tính đóng BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn và cũng là căn cứ tối thiểu tính trả tiền lương ngừng việc, tiền lương cho NLĐ khi điều chuyển họ sang làm công việc khác so với HĐLĐ. Do đó, khi mức lương tối thiểu vùng tăng thì về cơ bản chi phí nhân công tối thiểu cũng sẽ tăng tương ứng.
3.Ảnh hưởng phát sinh thêm các công việc nội bộ về lao động:
Cụ thể, khi tiền lương tối thiếu vùng tăng, người sử dụng lao động sẽ phải tiến hành một số công việc nội bộ về lao động như: thủ tục sửa đổi nội dung HĐLĐ với NLĐ nếu tiền lương trên HĐLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hay điều chỉnh mức đóng tối đa BHTN với cơ quan BHXH vì mức đóng tối đa BHTN bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng.
Trên đây là một số ảnh hưởng lớn liên quan đến việc tăng mức lương tối thiểu vùng mà NSDLĐ cần lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhập thông tin khi Chính phủ ban hành chính thức Nghị định tăng lương tối thiếu vùng từ ngày 1/7/2024.