ReportBáo cáo

  • Trang Chủ
  • Báo cáo
  • Pháp lý
  • Một số lưu ý quan trọng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam.

Một số lưu ý quan trọng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam.

2024/04/23

Hoạt động mua bán hàng hóa nói chung hay hoạt động bán lẻ nói riêng là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc phải đăng ký ngành nghề/mục tiêu bán lẻ với cơ quan quản lý doanh nghiệp & đầu tư bình thường như các ngành nghề khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (“Doanh nghiệp FDI”) còn phải đáp ứng thêm các điều kiện đầu tư kinh doanh luật định như xin cấp Giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp hiểu rõ các điều kiện kinh doanh cũng như nghĩa vụ của doanh nghiệp khi hoạt động bán lẻ. 

Vì vậy, thông qua bài viết này, tác giả sẽ trình bày một số lưu ý quan trọng về mặt giấy phép và hoạt động cho doanh nghiệp FDI có hoạt động phân phối bán lẻ (không thành lập cơ sở bán lẻ) để các doanh nghiệp có thể thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam một cách thuận lợi & hợp pháp.

1. Một số khái niệm quan trọng: 

Thứ nhất, “Doanh nghiệp FDI” là doanh nghiệp có thành viên hoặc cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, “nhà đầu tư nước ngoài” được hiểu là cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc doanh nghiệp thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, có thể thấy cho dù nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 1% hoặc 99% vốn của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó vẫn được xem là Doanh nghiêp FDI tại Việt Nam và chịu sự ràng buộc liên quan đến Doanh nghiệp FDI. 

Thứ hai,“Bán lẻ” hay “Phân phối bán lẻ” được hiểu là một trong những hình thức của “hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa” nói chung, cụ thể, là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để họ sử dụng vào mục đích tiêu dùng.

2. Các quy định về Giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ: 

2.1. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh: 

Trước khi tiến hành phân phối bán lẻ (không thành lập cơ sở bán lẻ) thì Doanh nghiệp FDI phải xin cấp Giấy phép kinh doanh. Trong đó, điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 9, Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, về cơ bản, doanh nghiệp FDI phải đáp ứng được cơ bản 02 điều kiện sau: 

Một là, doanh nghiệp FDI phải có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động bán lẻ. Cụ thể, doanh nghiệp FDI phải giải trình được nguồn tài chính và khả năng tài chính để thực hiện bán lẻ nếu được cấp Giấy phép kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp FDI có thể giải trình về kế hoạch này dựa trên tình hình về kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn vóp góp hoặc huy động từ các nhà đầu tư cũng như các cam kết hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư và ngân hàng. 

Hai là, doanh nghiệp FDI không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên. Để đáp ứng được điều kiện này, doanh nghiệp FDI cần rà soát và hoàn tất các nghĩa vụ về thuế với cơ quan thuế trước khi tiến hành thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh. Đặc biệt, yêu cầu này thì không yêu cầu đối với doanh nghiệp FDI vừa thành lập hoặc thành lập dưới 1 năm. 

2.2. Thời hạn giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ: 

Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài đối với hoạt động phân phối bán lẻ. Do đó, Giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ là không có thời hạn, trừ trường hợp bán lẻ một số hàng hóa đặc thù như gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí thì Giấy phép kinh doanh chỉ có thời hạn kinh doanh là 5 năm.  

2.3. Điều chỉnh giấy phép kinh doanh:

Doanh nghiệp FDI phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép kinh doanh nếu một trong những nội dung sau của giấy phép kinh doanh bị thay đổi:
・Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính và người đại diện theo pháp luật;
・Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập;
・Hàng hóa phân phối bán lẻ;
・Các nội dung khác.

Đặc biệt, đối với trường hợp tại điểm a và b nêu trên thì Doanh nghiệp FDI lưu ý phải:
(i) thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nội dung thay đổi trong vòng 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi với Sở KHĐT, sau đó
(ii) nộp hồ sơ điều chỉnh giấy phép kinh doanh trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp điều chỉnh ghi nhận nội dung thay đổi. Trong trường hợp, doanh nghiệp FDI không thực hiện thủ tục điều chỉnh hoặc thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép kinh doanh chậm trễ so với thời hạn nêu trên thì có rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền từ 20.000.000 VNĐ đến 30.000.000 VNĐ.

3. Lưu ý khác trong quá trình hoạt động:

3.1. Báo cáo định kỳ: 

Định kỳ trước ngày 31 tháng 01 của năm liền kề sau năm báo cáo, Doanh nghiệp FDI đã được cấp Giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa đến cơ quan cấp phép. Trong trường hợp, doanh nghiệp FDI không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trong vòng 24 tháng liên tiếp thì có rủi ro cơ quan cấp phép sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp FDI cần lưu ý và thực hiện nghĩa vụ báo cáo đầy đủ, đúng thời hạn, tránh các rủi ro bị xử phạt hành chính hoặc/và bị thu hồi Giấy phép kinh doanh. 

3.2. Tạm ngừng hoạt động bán lẻ: 

Theo quy định Nghị định 09/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp FDI được tạm ngừng hoạt bán lẻ trong thời hạn không quá 12 tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI phải thực hiện các thủ tục, bao gồm: (i) Thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh, hoạt động trước thời hạn với Sở KHĐT; (ii) Gửi bản sao Giấy xác nhận tạm ngừng hoạt động, tiếp tục hoạt động trước thời hạn do Sở KHĐT cấp tới Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh để được đăng tải lên Hệ thống cơ sở dữ liệu trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có Giấy xác nhận tạm ngừng hoạt động, tiếp tục hoạt động trước thời hạn. Vì vậy, các doanh nghiệp FDI nếu có mong muốn tạm ngừng hoạt động bán lẻ cần lưu ý về thời hạn tối đa được phép tạm ngừng cũng như thủ tục liên quan. 

Kết luận: Trên đây là một số lưu ý về mặt giấy phép và hoạt động đối với doanh nghiệp FDI kinh doanh phân phối bán lẻ theo pháp luật hiện hành. Các doanh nghiệp lưu ý thực hiện đầy đủ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và loại bỏ các rủi ro pháp lý liên quan.

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo