ReportBáo cáo

  • Trang Chủ
  • Báo cáo
  • Kế toán - Thuế
  • Một số vấn đề cần chú ý về thuế khi thực hiện chuyển giao công nghệ không thuộc danh mục công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao

Một số vấn đề cần chú ý về thuế khi thực hiện chuyển giao công nghệ không thuộc danh mục công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao

2024/06/26

  • Mai Thi Dung

Tại các đất nước đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển giao công nghệ (“CGCN”) từ nước ngoài vào Việt Nam rất phổ biến. Đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ từ công ty mẹ nước ngoài cho công ty con tại Việt Nam. Các công ty tại Việt Nam sẽ phải trả cho công ty nước ngoài phí chuyển giao công nghệ. Nhằm thắt chặt việc quản lý các giao dịch thanh toán phí chuyển giao công nghệ giữa các công ty trong nước và nước ngoài nói chung và giữa các công ty liên kết nói riêng, từ năm 2017 đến nay, chính phủ đã ban hành nhiều quy định mới liên quan đến việc đăng ký thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, gần đây các ngân hàng ngày càng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ liên quan đến việc thanh toán phí chuyển giao công nghệ, bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ mới thực hiện thanh toán được. Bài viết này nhằm giải thích một số điểm lưu ý về thuế khi công ty thực hiện chuyển giao công nghệ không thuộc danh mục hạn chế, cấm chuyển giao (quy định tại nghị định 76/2018/NĐ-CP).

 1. Sự thay đổi quan trọng trong quy định liên quan đến giao dịch CGCN.  

1.1. Về thủ tục đăng ký hợp đồng CGCN

Trước đây, quy định cũ tại Nghị định 133/2008/NĐ-CP không bắt buộc các bên tham gia giao kết hợp đồng phải đăng ký hợp đồng CGCN với cơ quan ban ngành.

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2018, Luật CGCN số 07/2017/QH14 quy định CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài là một trong các trường hợp bắt buộc phải đăng ký hợp đồng CGCN. Thời hạn đăng ký là 90 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng. Với các hợp đồng phát sinh trước 1/7/2018 khi gia hạn hợp đồng cũng phải thực hiện đăng ký theo quy định này.

Trường hợp không đăng ký hợp đồng CGCN sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu VNĐ (theo quy định tại điều 25, nghi định 51/2019/NĐ-CP)

1.2. Về giá chuyển giao công nghệ

Theo điều 4 nghị định 76/2018/ND-CP, đối với trường hợp công nghệ chuyển giao giữa các bên có quan hệ theo mô hình công ty mẹ – công ty con và các bên có quan hệ liên kết theo quy định của pháp luật về thuế, khi có yêu cầu từ cơ quan thuế thì bắt buộc phải thực hiện kiểm toán giá chuyển giao công nghệ. Cuộc kiểm toán này được thực hiện trên góc độ xem giá công nghệ có phù hợp so với giá thị trường hay không.

Liên quan tới phạt vi phạm hành chính, trước 1/8/2019, theo quy định cũ (Nghị định 64/2013/NĐ-CP và nghị định 93/2014/NĐ-CP) không có phạt về hành vi không kiểm toán giá công nghệ chuyển giao. Tuy nhiên tại điều 22, nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2019, hành vi không thực hiện kiểm toán giá khi có yêu cầu của cơ quan quản lý thuế sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu VNĐ.

2. Một số lưu ý về thuế khi thực hiện ký hợp đồng CGCN.

Theo điều 16, nghị định 132/2020/NĐ-CP, dịch vụ cung cấp giữa các bên liên kết được trừ vào chi phí tính thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Dịch vụ được cung cấp có giá trị thương mại, tài chính, kinh tế và phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; dịch vụ từ các bên liên kết được xác định đã cung cấp trong điều kiện hoàn cảnh tương tự các bên độc lập chi trả cho các dịch vụ này; phí dịch vụ được thanh toán trên cơ sở nguyên tắc giao dịch độc lập và phương pháp tính giá giao dịch liên kết hoặc phân bổ mức phí dịch vụ giữa các bên liên kết phải được áp dụng thống nhất trong toàn tập đoàn đối với loại hình dịch vụ tương tự và người nộp thuế phải cung cấp hợp đồng, chứng từ, hóa đơn và thông tin về phương pháp tính, yếu tố phân bổ và chính sách giá của tập đoàn đối với dịch vụ được cung cấp.

Theo quy định về luật thuế TNDN hiện hành, chi phí được trừ phải thỏa mãn các điều kiện: thực tế phát sinh liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp và thỏa mãn yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đăng ký hợp đồng CGCN (đối với hợp đồng ký lần đầu hoặc ký gia hạn hợp đồng từ ngày 01/07/2018) sẽ bị coi là không có chứng từ hợp pháp. Bên cạnh đó, nếu không có giấy chứng nhận mà ngân hàng không cho thực hiện chuyển khoản, doanh nghiệp không thực hiện thanh toán được cũng có rủi ro bị cơ quan thuế coi là không có đủ hồ sơ theo quy định. Từ đó, chi phí CGCN tương ứng không được ghi nhận là chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN. Thêm nữa, trường hợp doanh nghiệp không chứng minh được tính hợp lý của giá chuyển giao, doanh nghiêp có rủi ro bị ấn định thuế và không được trừ chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN. Để giảm thiểu rủi ro trên, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh quá trình CGCN thực tế diễn ra và bên nhận chuyển giao thực tế thu được lợi ích từ việc tiếp nhận công nghệ. Bộ hồ sơ có thể bao gồm:

(1) Hợp đồng CGCN mô tả chi tiết công nghệ chuyển giao, thời gian chuyển giao, cách tính giá chuyển giao và có đẩy đủ thông tin theo yêu cầu của luật CGCN;
(2) Giấy chứng nhận đăng ký CGCN theo quy định;
(3) Các báo cáo về giai đoạn/ tiến độ CGCN (bao gồm nội dung công việc, người thực hiện…);
(4) Bảng tính phí CGCN, kèm theo hóa đơn và yêu cầu thanh toán;
(5) Hồ sơ xác định giá CGCN là hợp lý, chính sách xác định giá được áp dụng thống nhất giữa các công ty trong tập đoàn;
(6) Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với giá trị giao dịch từ 20 triệu đồng.

Ngoài ra, khi chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, doanh nghiệp lưu ý kê khai và nộp thuế nhà thầu nước ngoài (Thuế TNDN – tỷ lệ 10%, thuế GTGT – không thuộc đối tượng chịu thuế)

 

Bên cạnh đó, gần đây, có một số trường hợp cán bộ thuế không chấp nhận chi phí bản quyền tính cho doanh thu với bên liên kết. Lý do cơ quan thuế không chấp nhận phần chi phí tính cho doanh thu bên liên kết như sau:
・Đối với bên liên kết chính là bên chuyển giao công nghệ cho bên Việt Nam, thông thường là công ty mẹ: Công ty mẹ là bên thuê công ty con ở VN sản xuất sau đó nhận hàng về bán và thu lợi nhuận. Như vậy việc công ty mẹ tính thêm phí bản quyền công nghệ trên chính sản phẩm mà họ cho phép và thuê công ty con sản xuất, là không hợp lý. Nếu không phải thuê công ty con mà thuê một bên độc lập khác sản xuất theo yêu cầu thì các nhà sản xuất độc lập này cũng sẽ không sẵn sàng trả phí bản quyền cho bên khách hàng thuê họ sản xuất theo hợp đồng. Hơn nữa, phí bản quyền có thể đã được cân nhắc khi công ty mẹ tính giá nguyên vật liệu đầu vào khi bán cho bên Việt Nam để sản xuất.

Như vậy chi phí bản quyền chuyển giao công nghệ phát sinh trong trường hợp này chưa thỏa mãn tính “sẵn sàng chi trả” của dịch vụ và chưa chứng minh được lợi ích mà công ty con nhận được.

Đối với các công ty con mới đi vào sản xuất còn phát sinh nhiều chi phí ban đầu như chi phí khấu hao tài sản cố định, công ty mẹ có thể ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, tạo doanh thu với công ty con để thu phí bản quyền. Đồng thời khoản doanh thu này được bù đắp với các chi phí phát sinh ở công ty con, như vậy công ty mẹ thu được lợi nhuận còn công ty con vẫn chưa phải nộp thuế.

Từ các cơ sở trên, cơ quan thuế có thể nghi ngờ việc tạo hợp đồng và tính phí bản quyền chuyển giao công nghệ chỉ nhằm mục đích để chuyển lợi nhuận về cho công ty mẹ.
・Đối với các bên liên khác: Sản phẩm được sản xuất dựa trên bí quyết công nghệ đặc biệt sẽ là lợi thế, tăng cường khả năng thương lượng của công ty Việt Nam và mang lại lợi nhuận kinh tế thêm nếu giao dịch với các bên độc lập, nhưng không phải lợi thế/lợi ích kinh tế khi bán cho bên liên kết. Việc sản xuất theo Đơn đặt hàngvà bán cho công ty liên kết khác cũng là theo chỉ thị chiến lược chung của tập đoàn. Ngoài ra, bên liên kết đặt mua sản phẩm từ công ty Việt Nam cũng có khả năng phải trả phí bản quyền cho công ty mẹ khi bán sản phẩm cho khách hàng cuối cùng. Như vậy công ty mẹ đã tính phí bản quyền cho cùng một sản phẩm hai lần. Dịch vụ không xác định được giá trị gia tăng cho người nộp thuế; dịch vụ về bản chất là các lợi ích người nộp thuế nhận được do là thành viên của một tập đoàn, do đó phí bản quyềnkhông được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Vấn đề này hiện còn nhiều quan điểm khác nhau, vì vậy đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ  doanh nghiệp nên cân nhắc rủi rotrên , để thận trọng thì doanh nghiệp nên cân nhắc không tính phí trên phần doanh thu bán cho các bên liên kết mà chỉ tính phí trên phần doanh thu bán cho bên độc lập. Tuy nhiên nếu trong trường hợp chính sách giá của doanh nghiệp buộc phải theo tập đoàn và không sửa đổi được thì doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu (file tính và số liệu) để chứng minh tỷ suất lợi nhuận bán cho các bên liên kết cũng tương đương khi bán cho các bên độc lập để giảm thiểu rủi ro.

 

Kết luận:

Chuyển giao công nghệ là một giao dịch giá trị lớn, thường kéo dài trong nhiều năm nên ảnh hưởng rất lớn đến nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần thực hiện theo đúng quy định, đăng ký đầy đủ giấy phép theo quy định để tránh rủi ro chi phí bị loại ra khi xác định thuế TNDN của công ty, dẫn đến thiếu thuế và phát sinh tiền phạt lớn. 

Văn bản luật tham khảo:

  • Luật chuyển giao công nghệ 2017.
  • Nghị định 76/2018/NĐ-CP.
  • Nghị định 132/2020/NĐ-CP
  • Thông tư 96/2015/TT-BTC
  • Thông tư 103/2014/TT-BTC

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo