ReportBáo cáo

Những điểm cơ bản liên quan đến giá thành của công ty sản xuất

2024/06/26

Giá thành sản xuất của sản phẩm là toàn bộ chi phí sản xuất (CPSX) mà công ty đã bỏ ra để hoàn thành việc sản xuất sản phẩm. Giá thành sản xuất sản phẩm rất quan trọng với các công ty, là căn cứ giúp công ty xác định được chi phí bỏ ra và xác định giá bán phù hợp để có lợi nhuận. Đồng thời, giúp doanh nghiệp đo lường hiệu quả kinh tế, hiệu quả sản xuất sản phẩm của mình.

Nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về giá thành sản xuất sản phẩm trong các công ty, bài viết dưới đây chúng tôi sẽ khái quát một số nội dung cơ bản về chi phí sản xuất và giá thành sản xuất sản phẩm trong các công ty cụ thể như sau:

 1. Khái quát chung về chi phí sản xuất sản phẩm:

Mỗi công ty có cách phân loại/gọi tên các chi phí sản xuất theo cách riêng. Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra 3 cách phân loại chi phí thông dụng nhất, hay được các công ty tiếp cận và sử dụng như sau:

・Phân loại theo công dụng của chi phí:

Theo cách phân loại này, chi phí sản xuất trong công ty được chia thành 3 loại sau:

– Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: là chi phí của các nguyên vật liệu đưa vào quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm.
– Chi phí nhân công trực tiếp: là tiền công trả cho các lao động trực tiếp (công nhân) tham gia vào quá trình sản xuất của sản phẩm đó.
– Chi phí sản xuất chung: là chi phí có liên quan tới các yếu tố khác tham gia vào quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm như chi phí khấu hao của nhà xưởng sản xuất, máy móc sản xuất, tiền điện, nước phục vụ cho hoạt động sản xuất, tiền công trả cho nhân viên quản lý sản xuất, quản lý phân xưởng…

1.2. Phân loại theo mối quan hệ của chi phí với khối lượng sản phẩm sản xuất ra:

– Chi phí bất biến (chi phí cố định): là những chi phí mà tổng số không thay đổi khi có sự thay đổi về khối lượng/số lượng sản phẩm sản xuất. Cho dù doanh nghiệp sản xuất ít hay nhiều trong kỳ thì chi phí này vẫn không thay đổi. Ví dụ: chi phí thuê nhà xưởng, chi phí khấu hao máy móc sản xuất, chi phí bảo trì máy móc thiết bị.
– Chi phí khả biến (chi phí biến đổi): là những chi phí thay đổi tương ứng với khối lượng sản xuất ra. Nếu công ty sản xuất ít thì khối lượng/số lượng chi phí biến đổi sẽ bỏ ra ít và ngược lại. Ví dụ: chi phí nguyên vật liệu sản xuất, chi phí nhân công trực tiếp.

・Phân loại chi phí sản xuất theo mối quan hệ giữa đối tượng tập hợp chi phí và phương pháp tập hợp chi phí:

– Chi phí trực tiếp: là những khoản chi phí phát sinh xác định được chỉ liên quan trực tiếp tới sản xuất ra một đối tượng sản phẩm. Ví dụ: chi phí mua các nguyên vật liệu sản xuất chính là chi phí trực tiếp.
– Chi phí gián tiếp: là những khoản chi phí liên quan đến nhiều đối tượng sản phẩm, nên cần phải tập hợp chung sau đó mới tiến hành phân bổ theo những tiêu thức thích hợp. Ví dụ: chi phí khấu hao của nhà xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị, chi phí lương của nhân viên quản lý phân xưởng. Các khoản chi phí phục vụ cho nhiều đối tượng sản phẩm nên công ty cần phải tiến hành phân bổ chi phí này cho các sản phẩm sản xuất ra.

2. Quy trình chung để tính giá thành sản xuất sản phẩm trong công ty sản xuất:

Để xác định được phương pháp tính giá thành và thiết lập nên bảng tính giá thành sản xuất phù hợp với đặc điểm và quy trình sản xuất của mình, các công ty thường áp dụng các bước cơ bản như sau:

・Bước 1: Xác định đối tượng tập hợp chi phí sản xuất để tính giá thành. Ví dụ là nơi phát sinh chi phí (phân xưởng, bộ phận) hoặc có thể là đối tượng chịu chi phí (sản phẩm, nhóm sản phẩm, đơn đặt hàng).
・Bước 2: Xác định các chí phí trong kỳ kinh doanh có liên quan tới đối tượng tính giá thành sản xuất ra sản phẩm.
・Bước 3: Tập hợp chi phí sản xuất có liên quan theo đối tượng tính giá thành đã được xác định ở bước 1 và 2.
・Bước 4: Xác định phương pháp tính giá thành, sử dụng phương pháp đó để phân bổ, tính toán chi phí sản xuất vào giá thành sản phẩm.

3. Các phương pháp tính giá thành phổ biến:

Hiện nay các công ty sản xuất ở Việt Nam sử dụng nhiều phương pháp tính giá thành khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp tính nào do công ty tự kiểm tra, đánh giá và xác định dựa trên đặc điểm quy trình sản xuất, đặc điểm sản phẩm của công ty đó.

Việc đánh giá và xác định phương pháp tính giá thành cần được thực hiện trước khi công ty bắt đầu tiến hành hoạt động sản xuất. Rất nhiều công ty con trực thuộc tập đoàn có thể thường áp dụng theo phương pháp giá thành của tập đoàn đã áp dụng. Chúng tôi xin khái quát chung về 3 phương pháp phổ biến được nhiều công ty sản xuất sử dụng như sau:

3.1. Phương pháp tính giá thành giản đơn:

Phương pháp này áp dụng được với công ty có công nghệ sản xuất đơn giản, số lượng mặt hàng ít và khối lượng lớn, phân tách được chi phí sản xuất cho từng loại sản phẩm, và chu kì sản xuất ngắn. Thường áp dụng trong các công ty điện, nước, khai thác quặng, than, gỗ.

Công thức tính:
・Tổng giá thành sản xuất sản phẩm = Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đầu kỳ + Chi phí sản xuất trong kì – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ.
・Giá thành của 1 sản phẩm = Tổng giá thành sản xuất sản phẩm/Số lượng sản phẩm hoàn thành trong kì.

3.2. Phương pháp tính giá thành theo tỷ lệ:

Phương pháp này phù hợp để áp dụng với các công ty mà trong cùng một quá trình sản xuất, sử dụng cùng một loại nguyên vật liệu chính, kết thúc quy trình thu được nhóm sản phẩm cùng loại khác nhau về kích cỡ, hoặc chất lượng. Thường áp dụng trong các công ty may mặc, sản xuất giày, dép, dệt kim.

Công thức tính:
・Tổng giá thành thực tế của toàn bộ sản phẩm hoàn thành trong kỳ = Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đầu kỳ + Chi phí sản xuất phát sinh trong kì – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ.
・Tỷ lệ giá thành cho 1 sản phẩm hoàn thành (%) = (Tổng giá thành thực tế của toàn bộ sản phẩm hoàn thành trong kỳ /Tổng tiêu thức phân bổ) x 100

Lưu ý:
・Tổng Tiêu thức phân bổ = giá thành định mức hoặc giá thành kế hoạch của 1 sản phẩm * sản lượng thực tế sản xuất.
・ Giá thành thực tế cho từng nhóm sản phẩm = Tổng giá thành định mức hoặc tổng giá thành kế hoạch của từng nhóm sản phẩm x Tỷ lệ giá thành cho 1 sản phẩm hoàn thành.

3.3 Phương pháp tính tính giá thành theo phương pháp phân bước:

Phương pháp phân bước được áp dụng tại các công ty có quy trình công nghệ sản xuất phức tạp, gồm nhiều công đoạn.

Ví dụ:
Giả sử một công ty dệt thực hiện cắt ở quy trình đầu tiên, may ở quy trình thứ hai và phủ trong quy trình thứ ba.Trong trường hợp này, trước tiên, giá thành sản xuất của bán thành phẩm hoàn thành ở bước đầu tiên được tính dựa trên phương pháp tính chi phí do công ty xác định (ví dụ: phương pháp tính toán được mô tả ở trên).
Tiếp theo, bán thành phẩm đó sẽ được đưa vào làm nguyên liệu ở quy trình thứ 2, tuy nhiên lúc này giá thành sản xuất của bán thành phẩm tính ở quy trình thứ nhất sẽ được kết hợp với nguyên liệu đầu vào lần đầu tiên của quy trình thứ hai tạo thành chi phí sản xuất trong quy trình thứ hai.Sau đó, giá thành sản xuất bán thành phẩm ở mỗi quy trình được tính tương tự như cách tính ở quy trình đầu tiên và tính được giá thành sản phẩm thành phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, người ta cũng chấp nhận tính giá thành của thành phẩm bằng cách đơn giản cộng chi phí sản xuất của từng quy trình mà không tính giá thành sản xuất của bán thành phẩm trong mỗi quy trình. Điều này tùy thuộc vào chính sách của mỗi công ty, vì vậy nếu bạn muốn hạch toán chi phí chi tiết, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng phương pháp trước.

Bài viết đã trình bày về khái quátt chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong các công ty sản xuất. Trong thực tế, để xây dựng được bảng tính giá thành phù hợp với công ty mình, các công ty cần xem xét, đánh giá và lựa chọn Phương pháp tính giá thành sản phẩm trước khi bắt đầu thực hiện sản xuất sản phẩm.

Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư 200-2014-TT-BTC.
2. Giáo trình Kế toán Quản trị doanh nghiệp, NXB Tài Chính, tái bản lần 2 năm 2009.

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo