Xử lý thuế liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, chi tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai và các quy định của Bộ luật lao động - I-GLOCAL CO., LTD.

NewsTin Tức

  • Trang Chủ
  • Tin Tức
  • Tin pháp luật
  • Xử lý thuế liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, chi tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai và các quy định của Bộ luật lao động

Tin pháp luật

Xử lý thuế liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, chi tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai và các quy định của Bộ luật lao động

2024/09/12

Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi nên nhiều doanh nghiệp bị tổn thất về tài sản hàng hóa, bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi bão cũng cân nhắc chung tay hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, địa phương bị ảnh hưởng để khắc phục hậu quả do cơn bão để lại. Bản tin này sẽ hướng dẫn cách xử lý về thuế liên quan đến giá trị tổn thất do thiên tai, chi tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai và các quy định của Bộ luật lao động.

1. Xử lý thuế liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai

Theo quy định về luật phòng chống thiên tai năm 2013 thì cơn bão Yagi vừa qua được coi là thiên tai.
Do đó căn cứ theo Khoản 2.1 Điều 2 Thông tư 96/2015/TT-BTC, trường hợp công ty tổn thất do thiên tai (ví dụ như cơn bão Yagi lần này) sẽ được ghi nhận phần chi phí này vào chi phí được trừ cho thuế thu nhập doanh theo nguyên tắc sau:
+ Doanh nghiệp phải tự xác định được tổng giá trị tổn thất do thiên tai,dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác.
+ Phần được ghi nhận là chi phí hợp lý là phần không được bồi thường, được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ đi phần doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức cá nhân khác phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Các tài liệu cần chuẩn bị bao gồm các tài liệu sau:
– Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập ( xác định rõ giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật)
– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
– Ngoài ra cơ quan thuế có thể sẽ yêu cầu bổ sung các tài liệu khác như giá trị tài sản, hàng hóa trước khi tổn thất, bảng tính khấu hao; bằng chứng thể hiện nguyên nhân tổn thất như trích xuất camera, hình ảnh có thông tin chi tiết ngày giờ, địa điểm

2. Chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai

Căn cứ vào khoản 2.24 điều 2 Thông tư 96/2015/TT-BTC doanh nghiệp tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật khắc phục hậu quả thiên tai tới trực tiếp tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật, hoặc tài trợ cho cá nhân qua cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ theo quy định tại điều 2,Nghị định số 93/2021/NĐ-CP như Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ được ghi nhận khoản tài trợ đó là chi phí được trừ cho thuế thu nhập doanh nghiệp nếu thỏa mãn điều kiện về hồ sơ như sau :
– Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của tổ chức bị thiệt hại do thiên tai (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là đơn vị nhận tài trợ theo mẫu số 05/TNDN ban hành kèm thông tư 78/2014/TT-BTC.
– Hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá theo quy định luật với phương thức thanh toán theo thông tư 219/2013/TT-BTC (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
– Cơ quan thuế có thể yêu cầu thêm xác nhận của chính quyền địa phương nơi tổ chức nhận hỗ trợ đặt trụ sở về việc có bị thiệt hại thực tế do thiên tai.

3. Hỗ trợ người lao động

Trường hợp công ty muốn hỗ trợ nhân viên bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, công ty có thể cân nhắc một số phương án sau đây:

(1) Hỗ trợ từ công đoàn cơ sở
Theo quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trường hợp công ty có công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở sẽ chi trả trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động gặp khó khăn do bị ảnh hưởng do thiên tai gây tổn thất về sức khỏe hoặc tài sản. Việc chi trả được quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ công đoàn và các tài liệu liên quan khác (nếu có), mức chi tối đa là 3 triệu đồng/ lần/ người.
Công đoàn cơ sở của các công ty nên xác nhận thêm với Liên đoàn cấp trên thuộc quận, huyện về cách thức chi trả, mức chi cụ thể với từng đối tượng NLĐ bị ảnh hưởng,..

(2) Hỗ trợ từ công ty
Đây là khoản chi trả với mục đích hỗ trợ NLĐ phục hồi sau thiên tai, không phải là khoản hỗ trợ bắt buộc mà Công ty phải chi trả và không được quy định trong Bộ luật lao động. Công ty có thể cân nhắc chi trả như là trợ cấp khó khăn đột xuất để phục hồi sau thiên tai, lũ lụt cho NLĐ.
Lưu ý rằng, khoản trợ cấp này phải được quy định tại một trong 3 tài liệu sau đây: HĐLĐ, Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế tài chính công ty về đối tượng hưởng, điều kiện hưởng và mức hưởng cụ thể để được ghi nhận là chi phí hợp lý của công ty.

 

Tài liệu tham khảo
– Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015
– Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021
– Thông tư 78/2014/TT-BTC
– Thông tư 219/2013/TT-BTC
– Quyết định 4290/QĐ-TLĐ ngày 01 tháng 03 năm 2022
– Quyết định 4291/QĐ-TLĐ ngày 01 tháng 03 năm 2022