Các điểm cần lưu ý khi áp dụng ưu đãi thuế TNDN của lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm
2025/01/14
Lời nói đầu
Trong những năm qua, chính phủ Việt Nam đã triển khai một số chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng cường đầu tư và phát triển công nghệ. Các chính sách này được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng với các nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể. Những quy định này đã tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, khuyến khích các doanh nghiệp phần mềm phát triển thông qua các ưu đãi về thuế TNDN, giảm bớt gánh nặng tài chính và thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, khi tiến hành áp dụng ưu đãi thuế của lĩnh vực sản xuất phần mềm, ở doanh nghiệp thường sẽ phát sinh một số nghiệp vụ gây ảnh hưởng đến việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN. Bài báo cáo này sẽ tổng hợp một số điểm mà doanh nghiệp sản xuất phần mềm cần lưu ý, để đảm bảo có thể áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN.
1. Ưu đãi về thuế TNDN đối với hoạt động sản xuất phần mềm
Hoạt động sản xuất phần mềm sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN như sau [1]:
・ Ưu đãi về thuế suất: Thuế suất 10% trong vòng 15 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu
・ Ưu đãi về miễn, giảm thuế: miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế; trường hợp DN không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Để áp dụng ưu đãi, doanh nghiệp cần kiểm tra các bước sau:
✓ Xác định xem hoạt động của mình là sản xuất sản phẩm phần mềm hay không.
✓ Nếu là sản xuất sản phẩm phần mềm thì phần mềm đó có thuộc danh mục phần mềm theo quy định hay không.
✓ Có đáp ứng quy trình về sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của pháp luật hay không.
2. Phân biệt sản xuất phần mềm, dịch vụ phần mềm[2]
・ Ưu đãi về thuế TNDN nói trện chỉ áp dụng đối với hoạt đông sản xuất phần mềm. Dịch vụ phần mềm không thuộc đối tương áo dụng ưu đãi. Do đó, cần phân biệt rõ sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm. Phần mềm là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định [3]
・ Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng. Các loại sản phẩm phần mềm bao gồm: phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm tiện ích, phần mềm công cụ, phần mềm khác…
・ Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm. Dịch vụ phần mềm bao gồm: dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin; dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm; dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm; dịch vụ tư vấn định giá phần mềm; dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;dịch vụ tích hợp hệ thống;dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin;dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm; các dịch vụ phần mềm khác
3. Danh mục sản phẩm phần mềm
Dựa theo các sản phẩm phần mềm được quy định tại nghị định 71/2007/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Danh mục sản phẩm phần mềm tại thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/04/2013 (được sửa đổi bởi thông tư số 20/2021/TTBTTTT ngày 03/12/2021), trong đó liệt kê chi tiết các sản phẩm phần mềm. Dưới đây sẽ liệt kê một số phần mềm thuộc nhóm phần mềm hệ thống để tham khảo:
・ Hệ điều hành (Operating System Software): Hệ điều hành máy chủ, Hệ điều hành máy trạm/máy tính cá nhân để bàn, Hệ điều hành dùng cho thiết bị di động cầm tay…
・ Phần mềm mạng (Network Software): Phần mềm quản trị mạng, Phần mềm kết nối mạng, Phần mềm ứng dụng mạng, Phần mềm bảo mật và bảo vệ, Phần mềm máy chủ, Phần mềm trung gian…
・ Phần mềm truy vấn và quản lý dữ liệu (Data management and query software): Phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu máy chủ, Phần nềm quản trị cơ sở dữ liệu máy khách
4. Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm
Theo Thông tư 13/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm các công đoạn sau:
(1) Xác định yêu cầu
(2) Phân tích và thiết kế
(3) Lập trình, viết mã lệnh
(4) Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm
(5) Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm
(6) Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo hành, bảo trì sản phẩm
(7) Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm
Theo đó, hoạt động sản xuất một sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi đối với sản phẩm đó doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: “xác định yêu cầu” hoặc “phân tích và thiết kế” và phải được thể hiện bằng tài liệu tương ứng với từng tác nghiệp thuộc các công đoạn mà doanh nghiệp thực hiện.[4]
Lưu ý khi xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm:
✓ Trong quy trình nên nêu cụ thể phần mềm thuộc loại phần mềm nào trong danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định.
✓ Các tài liệu, bằng chứng, hình ảnh nêu trong quy trình càng nhiều và cụ thể càng tốt, nhằm tăng tính thuyết phục.
✓ Mỗi một phần phần mềm cần làm một quy trình riêng và lưu trữ đầy đủ, kịp thời
5. Một số lưu ý khác khi áp dụng ưu đãi
5.1 Ưu đãi đối với gia hạn dự án đầu tư
Theo công văn số 3259/CTDAN-TTHT ngày 02/04/2024 cục thuế Thành Phố Đà Nẵng cho rằng ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm chỉ áp dụng cho dự án mới. Do vậy, khi dự án hết hạn và được gia hạn thì không được áp dụng ưu đãi cho thời gian gia hạn.
Như vậy, đối với những công ty có năm tài chính đang lệch với thời gian hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu (Ví dụ: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu sẽ hết hạn vào tháng 05/2025 nhưng công ty có năm tài chính 2024 từ tháng 07/2024 ~ 06/2025) thì năm tài chính đó cũng có rủi ro sẽ không áp dụng được ưu đãi thuế TNDN.
Nếu rơi vào trường hợp này, doanh nghiệp nên viết công văn gửi đến cục thuế quản lý để được hướng dẫn cụ thể bằng văn bản.
5.2 Báo cáo cho Bộ Thông tin và truyền thông
Thông tư 13/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và truyền thông hướng dẫn, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm có nghĩa vụ:
・ Tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đề xuất ưu đãi thuế cho hoạt động sản xuất phần mềm và tự xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình.
・ Gửi, cập nhật thông tin về sản phẩm phần mềm, công đoạn trong hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình, mức thuế được khấu trừ về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) để tổng hợp.
・ Đảm bảo các hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và các sản phẩm phần mềm của mình không vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật liên quan khác.
Thông qua các cuộc thanh – kiểm tra thuế gần đây, cơ quan thuế có xu hướng kiểm tra mức độ tuân thủ nộp “Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm” theo chế độ báo cáo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông để có cơ sở xác định doanh nghiệp có thực hiện hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và xem xét điểm này để đánh giá, xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình hay không cho mục đích áp dụng ưu đãi thuế TNDN.
Do đó, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm cần lưu ý nộp “Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm” định kỳ hàng năm cho Bộ Thông tin và Truyền thông, chậm là ngày 15/03 của năm sau thông qua các hình thức như: gửi bản mềm báo cáo vào địa chỉ thư điện tử, gửi bản cứng báo cáo theo đường bưu điện hoặc nộp báo cáo trực tuyến.
Kết luận
Trên thực tế, hoạt động sản xuất phần mềm là hoạt động có nhiều công đoạn và mang tính nghiệp vụ rất cao nên việc xác định hoạt động của doanh nghiệp có được hưởng ưu đãi hay không sẽ tùy thuộc vào quan điểm của từng trường hợp và hồ sơ cụ thuế của doanh nghiệp. Để đảm bảo áp dụng ưu đãi đúng quy định, tránh rủi ro khi tự xác định, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định pháp lý, thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính, giấy tờ và chứng từ liên quan để đảm bảo tính hợp pháp trong quá trình hưởng ưu đãi thuế TNDN. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các ưu đãi thuế, tối ưu hóa chi phí thuế mà còn đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Văn bản pháp luật
Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 có hiệu lực từ ngày ngày 01/01/2009 (được sửa đổi bởi Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2014)
Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006
Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 05 năm 2007
Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/04/2013 (được sửa đổi bởi thông tư số 20/2021/TTBTTTT ngày 03/12/2021)
Thông tư 13/2020/TT-BTTTT ngày 03 tháng 07 năm 2020 của Bộ Thông Tin và Truyền thông
Công văn số 3295/CTDAN-TTHT ngày 02 tháng 04 năm 2024 của Cục Thuế Đà Nẵng
[1] Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 có hiệu lực từ ngày ngày 01/01/2009 (được sửa đổi bởi Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2014)
[2] Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 05 năm 2007
[3] Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006
[4] Vui lòng xem mô tả cụ thể nghiệp vụ của từng công đoạn tại điều 3 thông tư số 13/2020/TT-BTTTT, ngày 03 tháng 7 năm 2020