NewsTin Tức

Tin pháp luật

Quốc Hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

2024/12/12

Ngày 27/11/2024, Quốc Hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (“Luật BHYT sửa đổi”). Theo đó, một số nội dung đáng chú ý của Luật BHYT sửa đổi như sau:
Thứ nhất, mở rộng đối tượng tham gia BHYT
Cụ thể, đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động, người lao động đóng hoặc cùng đóng, một số đối tượng được sửa đổi, bổ sung quan trọng như sau:

1. NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HDLĐ có thời hạn từ “đủ 01 tháng trở lên, …”
=> Luật BHYT hiện hành: NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HDLĐ có thời hạn từ “đủ 3 tháng trở lên”

2. Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên …. có hưởng tiền lương
=> Luật BHYT hiện hành: Người lao động là “người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương”

3. Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên…không hưởng tiền lương.
Tại Luật BHYT sửa đổi không quy định điều khoản này chỉ áp dụng cho công dân Việt Nam hay áp dụng chung đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài. Tuy nhiên tại Luật BHXH sửa đổi (có hiệu lực từ 01/7/2025), quy định “Người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc… không hưởng lương vẫn phải tham gia BHXH bắt buộc” chỉ áp dụng cho người Việt Nam, không áp dụng cho người nước ngoài. Vì vậy, có khả năng cao quy định này tại Luật BHYT sửa đổi cũng được hiểu và áp dụng tương tự như Luật BHXH sửa đổi (tức là người nước ngoài không thuộc đối tượng áp dụng). Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các văn bản hướng dẫn Luật BHYT sửa đổi và cập nhật tới quý khách hàng.
=> Luật BHYT hiện hành: Không quy định

4. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Ngoại trừ trường hợp:
– Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về NLĐNN làm việc tại Việt Nam;
– Tại thời điểm giao kết HĐLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động; hoặc
– Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
=> Luật BHYT hiện hành: Không quy định

5. NLĐ làm việc không trọn thời gian theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất theo quy định của pháp luật về BHXH.
=> Luật BHYT hiện hành: Không quy định
Thứ hai, sửa đổi quy định về đóng BHYT với NLĐ có nhiều HĐLĐ
Theo quy định Luật BHYT hiện hành, việc tham gia BHYT đối với NLĐ có nhiều HĐLĐ sẽ theo HĐLĐ có mức tiền lương, tiền công cao nhất. Tuy nhiên, Luật BHYT sửa đổi đã có sự điều chỉnh thành, việc tham gia BHYT đối với NLĐ có nhiều HĐLĐ sẽ theo HĐLĐ tham gia BHXH (tức là tham gia BHXH và BHYT theo HĐLĐ giao kết đầu tiên).

 

Thứ ba, bổ sung các quy định về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT
Luật sửa đổi bổ sung quy định về các trường hợp người sử dụng lao động bị xem là có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT và các biện xử lý đối với các hành vi nêu trên (cụ thể: tại Khoản 33, khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi).
Luật BHYT sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Do đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật thông tin để thực hiện đúng các quy định của Luật BHYT sửa đổi.

 

Văn bản tham khảo:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2024