NewsTin Tức

Tin pháp luật

Một số lưu ý liên quan đến khoản vay ngắn hạn theo quy định pháp luật hiện hành

2024/01/11

Khoản vay ngắn hạn nước ngoài là khoản vay có thời hạn vay đến 01 năm, Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài là khoản vay có thời hạn trên 1 năm. Doanh nghiệp khi thực hiện vay ngắn hạn nước ngoài sẽ phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư 08/2023/TT-NHNN và Thông tư 12/2022/TT-NHNN.
Sau đây vui lòng tham khảo một số tổng hợp của chúng tôi về những lưu ý khi thực hiện khoản vay ngắn hạn nước ngoài.

1.Về mục đích vay
Đối với những doanh nghiệp thông thường (không phải là công ty có ngành nghề đặc thù như kinh doanh chứng khoán,…), chỉ được vay ngắn hạn nước ngoài với mục đích (i) cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài và (ii) thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất, kinh doanh,… (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước) của bên đi vay.
Các khoản nợ ngắn hạn xác định căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp. Ví dụ như nợ phải trả người bán ngắn hạn, thuế và các khoản nộp nhà nước, phải trả cho người lao động, chi phí phải trả ngắn hạn, phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng,…Cần lưu ý rằng đối với những mục đích dài hạn như “Thực hiện dự án đầu tư”,… thuộc trường hợp vay trung, dài hạn do khó để áp dụng trong trường hợp vay ngắn hạn.

2.Hồ sơ chứng minh mục đích vay
Hiện này chưa có quy định cụ thể về hồ sơ thực hiện khoản vay ngắn hạn, do đó doanh nghiệp nên xác nhận với Ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, để chứng minh mục đích vay ngắn hạn nêu trên và dựa theo quy định tại Thông tư 08, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải lập Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài. Trong đó Bên đi vay phải kê khai nhu cầu sử dụng vốn, cụ thể là các nghĩa vụ thanh toán trong thời hạn của khoản vay trên cơ sở dự toán số tiền phải trả theo các chứng từ, tài liệu làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán như hóa đơn, thỏa thuận, hợp đồng được ký kết, phát hành trước khi bên đi vay thực hiện rút vốn khoản vay. Như vậy, doanh nghiệp có thể sẽ phải chuẩn bị những hồ sơ sau đây:
•Hợp đồng vay vốn
•Hồ sơ chứng minh mục đích vay, mà Bên đi vay chuẩn bị 1 trong 2 hồ sơ sau
-Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài + Bảng kê nhu cầu sử dụng vốn; hoặc
-Phương án cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài
•Giấy phép của bên đi vay
•Các hồ sơ chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo khoản vay (nếu có)

3.Báo cáo khoản vay định kỳ
Theo Thông tư 12, Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo, bên đi vay phải báo cáo tình hình thực hiện khoản vay ngắn tại Trang điện tử (https://qlnh-sbv.cic.org.vn/qlnh/)
Trường hợp Trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể gửi được báo cáo, bên đi vay gửi báo cáo bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 12 cho Ngân hàng nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, doanh nghiệp thực hiện vốn vay ngắn hạn cần lưu ý 3 điểm trên để tuân thủ quy định mục đích vay, chế độ báo cáo nêu trên để phòng rủi ro bị xử phạt trong tương lai, đặc biệt là khi đăng ký chuyển đổi khoản vay ngắn hạn thành khoản vay trung dài hạn, đăng ký khoản vay trung dài hạn mới với Ngân hàng Nhà nước.

Điều luật tham khảo:
-Thông tư 08/2023/TT-NHNN
-Thông tư 12/2014/TT-NHNN