MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
2023/06/20
Mở đầu
Công đoàn cơ sở là một tổ chức đại diện người lao động thường gặp trong các doanh nghiệp vừa và lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khối ngành sản xuất. Tuy nhiên, thực tế, không phải bất kỳ người sử dụng lao động nào cũng hiểu rõ về ý nghĩa, thủ tục thành lập, cơ cấu tổ chức và cách thức hoat động của tổ chức này. Thậm chí, trên thực tế, một số người sử dụng lao động e ngại hoặc cố tình gây cản trở quá trình thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở của người lao động vì cho rằng tổ chức này sẽ gây bất lợi cho phía người sử dụng lao động.
Vì vậy, thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức Công đoàn cơ sở cũng như nêu ra điểm lưu ý về Công đoàn cơ sở để phía người sử dụng lao động có thể hiểu rõ về tổ chức này.
Nội dung
- Công đoàn cơ sở là gì?
Công đoàn cơ sở (Sau đây gọi tắt là “CĐCS”) là một tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động tổ chức cơ sở của[1].
- Điều kiện thành lập CĐCS:
CĐCS được thành lập trong các doanh nghiệp có từ 05 người lao động trở lên và có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam[2].
Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn[3]. Doanh nghiệp không được phép can thiệp, thao túng quá trình thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở[4]. Do đó, trường hợp người lao động Việt Nam yêu cầu thành lập CĐCS, doanh nghiệp lưu ý phối hợp thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi và không gây cản trở cho hoạt động này.
Công đoàn được thành lập trên cở sở tự nguyện[5]. Do đó, người lao động có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia công đoàn.
- Thủ tục thành lập CĐCS:
Thủ tục thành lập CĐCS tại doanh nghiệp về cơ bản bao gồm các bước sau:
(1) | (2) | (3) | (4) | |||
Thành lập ban vận động thành lập CĐCS tại doanh nghiệp. | Tổ chức đại hội thành lập CĐCS
|
⚫Tổ chức họp ban chấp hành CĐCS;
⚫Lập hồ sơ đề nghị gửi công đoàn cấp trên[6] |
Công đoàn cấp trên xem xét và quyết định |
Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ thành lập CĐCS.
(*) Thủ tục này có thể thay đổi tùy theo yêu cầu của cơ quan địa phương nên doanh nghiệp cần liên hệ với cơ quan liên đoàn lao động cấp trên để được hướng dẫn chính xác khi tiến hành thực hiện trên thực tế.
- Quy định về tài chính công đoàn
- Nguồn thu tài chính công đoàn
Tài chính công đoàn được hình thành từ 04 nguồn thu sau đây, trong đó nguồn thu từ Kinh phí công đoàn và Đoàn phí công đoàn là nguồn thu chính:
- Kinh phí công đoàn: Theo đó, doanh nghiệp có CĐCS hay chưa có CĐCS vẫn có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
- Đoàn phí công đoàn: Khác với Kinh phí công đoàn, việc đóng đoàn phí công đoàn là trách nhiệm của đoàn viên công đoàn của các doanh nghiệp có CĐCS. Theo đó, hàng tháng, đoàn viên đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương và tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở.
- Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ
- Nguồn thu khác.
- Sử dụng tài chính công đoàn
- Đối với những doanh nghiệp có CĐCS thì CĐCS được sử dụng 60% tổng số thu đoàn phí và 75%[7] số thu kinh phí công đoàn cho các khoản mục chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động và quản lý hành chính[8].
- Đối với các doanh nghiệp chưa có CĐCS thì kinh phí công đoàn sẽ được Công đoàn cấp trên phân cấp, sử dụng để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này[9]. Nội dung và tỷ lệ chi sẽ được CĐCT ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể.
Ví dụ, Liên đoàn lao động Quận 1 TP. Hồ Chí Minh hiện tại đang áp dụng Hướng dẫn số 12/HD-LĐLĐ. Theo đó, mức chi Ban Thường vụ Liên đoàn lao động Quận 1 sẽ xem xét, quyết định nội dung, mức chi tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng đơn vị và mức chi tối đa không quá 2.000.000 đồng/người/lần chi.
Như vậy, khi doanh nghiệp có CĐCS thì CĐCS được quyền sử dụng tài chính công đoàn với mức cao hơn, chủ động nguồn chi hơn so với doanh nghiệp chưa có CĐCS. Theo đó, người lao động của các doanh nghiệp có CĐCS cũng được hưởng các lợi ích cao hơn, tạo sự hài lòng và khích lệ, động viên tinh thần cho người lao động.
- Một số lưu ý cho doanh nghiệp đối với người lao động là thành viên ban chấp hành (ban lãnh đạo) CĐCS
Người lao động là thành viên ban chấp hành CĐCS là người phụ trách các công việc đặc dù của CĐCS, do đó, pháp luật đã có những quy định giành riêng cho họ như về chế độ làm việc, chấm dứt HĐLĐ, v.v. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung sau để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Cụ thế:
Thứ nhất, người lao động là cán bộ CĐCS trong nhiệm kỳ thì hợp đồng lao động của họ sẽ không bị đương nhiên chấm dứt khi hợp đồng lao động hết hạn[10]. Theo đó, doanh nghiệp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết với cán bộ CĐCS[11]. Thời hạn của hợp đồng lao động mới ít nhất là đến hết nhiệm kỳ làm cán bộ công đoàn của người lao động đó[12].
Thứ hai, doanh nghiệp không được tự quyết định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ CĐCS mà phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành của CĐCS. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cáo, doanh nghiệp mới có quyền quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định của doanh nghiệp thì người lao động và ban chấp hành của CĐCS có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định[13].
Thứ ba, cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành, tổ trưởng, tổ phó được CĐCS chi trả phụ cấp trách nhiệm, lấy từ nguồn thu đoàn phí để lại cho CĐCS. Doanh nghiệp không có trách nhiệm chi trả khoản phụ cấp này. Đồng thời, khoản phụ cấp này không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Quyết định 5692/QĐ-TLĐ và không chịu thuế thu nhập cá nhân theo Mục 10 Danh mục kèm theo Công văn 1381/TCT-TNCN năm 2014 và Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Thứ tư, người lao động được sử dụng thời giờ làm việc (lên đến 24 giờ làm việc/tháng tùy từng vị trí và có thể thỏa thuận để tăng thêm thời gian) để thực hiện công tác công đoàn và tham dự các cuộc họp và các buổi đào tạo mà vẫn được hưởng lương do doanh nghiệp chi trả[14]. Điều này đồng nghĩa rằng người lao động sẽ dành ít thời gian hơn để thực hiện các công việc chính tại doanh nghiệp.
Thứ năm, Chủ tịch CĐCS không được kiêm nhiệm người giữ chức vụ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp[15].
Kết luận
CĐCS có vai trò nhất định trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và tạo động lực cho người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung nêu trên, nắm bắt cụ thể các quy định của pháp luật để đảm bảo tuân thủ và hạn chế các rủi ro phát sinh mâu thuẫn quyền lợi giữa các bên đối với trường hợp doanh nghiệp đã có hoặc chưa có CĐCS.
[1] Khoản 3 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019
[2] Khoản 1 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Mục 11.1 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ
[3] Khoản 1 Điều 170 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 5 Luật Công đoàn 2012
[4] Khoản 2 Điều 175 Bộ luật Lao động 2019
[5] Điều 6 Luật Công đoàn 2012
[6] Công đoàn cấp trên là Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công đoàn ngành địa phương; Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; Công đoàn Tổng Công ty và một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc thù khác (căn cứ theo khoản 3, Điều 9, Điều lệ Công đoàn Việt Nam
[7] Tỷ lệ này sẽ có thể thay đổi hằng năm dựa trên quyết định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động
[8] Khoản 1, Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ
[9] Khoản 4, Điều 21, Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ
[10] Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019
[11] Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019
[12] Khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019
[13] Khoản 3 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019
[14] Điều 24 Luật Công đoàn 2012
[15] Mục 5.3 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ