ReportBáo cáo

Những lưu ý về thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh với người lao động theo quy định pháp luật hiện hành

2024/08/18

  • Nguyen Thuy Trang

Mở bài: 

Để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động và doanh nghiệp có thể có các thỏa thuận về không cạnh tranh và bảo mật thông tin. Trước đây, chúng tôi đã có một bài báo cáo trình bày những lưu ý khi thỏa thuận bảo mật với NLĐ※, tuy nhiên hiện tại, Bộ Luật lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn đã có một số quy định cụ thể hơn đề cập đến Thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh. Do đó, trong nội dung bài báo cáo này, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những lưu ý khi soạn thảo Thỏa thuận dựa theo quy định pháp luật mới và khi áp dụng trong thực tế.
※https://www.i-glocal.com/service/write/pdf/igl_globalInformation_202009_1.pdf

1. Khái niệm về bí mật kinh doanh
Khái niệm Bí mật kinh doanh được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ, là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Để được coi là bí mật kinh doanh và được pháp luật bảo hộ, cần phải đáp ứng 3 điều kiện sau:
(1) Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
(2) Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
(3) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Theo Bộ luật lao động 2019, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh là quy định mà NSDLĐ có nghĩa vụ phải cung cấp cho NLĐ khi giao kết HĐLĐ. Đồng thời, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật, NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanhquyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

2. Lưu ý về nội dung của Thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh
Hiện tại, pháp luật không có quy định cụ thể về nội dung phải có trong Thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, tại Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH đã đưa ra một số gợi ý về nội dung chủ yếu của Thỏa thuận mà các bên có thể tham khảo khi tiến hành soạn thảo:

(i) Danh mục bí mật kinh doanh: NSDLĐ xác định cụ thể bí mật kinh doanh mà doanh nghiệp đang sở hữu và liệt kê danh mục cụ thể kèm theo mô tả để làm cơ sở rõ ràng ràng buộc NLĐ tuân thủ nghĩa vụ bảo vệ.
Ví dụ: đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin: các Bước lập trình, mã lệnh,…

(ii) Phạm vi sử dụng: Doanh nghiệp liệt kê các hành vi tiết lộ thông tin mà người lao động không được thực hiện, đồng thời để ngỏ quy định về phạm vi sử dụng có thể được cập nhật theo thời gian.

(iii) Thời hạn bảo vệ: Cần quy định cụ thể thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc nghĩa vụ bảo vệ của NLĐ. Hiện tại quy định pháp luật không giới hạn số năm, do đó các bên có thể thỏa thuận thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh bao gồm cả khoảng thời gian sau khi kết thúc mối quan hệ lao động, ví dụ trong vòng 03 năm kể từ thời điểm chấm dứt HĐLĐ.

(iv) Phương thức bảo vệ: Xem xét thỏa thuận một hoặc toàn bộ các phương thức sau: không tiết lộ cho bên thứ ba, không làm việc  cho các đối thủ cạnh tranh, không thành lập doanh nghiệp cùng ngành nghề.

(v) Quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ
NLĐ cần thỏa thuận nhanh chóng và hài hòa với lợi ích hai bên. Cụ thể, để đổi lại với những hạn chế nhất định về việc phải giữ bí mật, NLĐ có thể mong muốn được hưởng những quyền lợi nhất định và cả trách nhiệm bồi thường trong trường hợp không thực hiện được Thỏa thuận.
Về lợi ích, đối với trường hợp NLĐ có chức vụ đặc biệt, NSDLĐ có thể đưa ra đề nghi về trả một khoản tiền cho việc giữ bí mật của NLĐ sau khi chấm dứt HĐLĐ hoặc quyết định cho NLĐ giữ chức vụ cao hơn trong doanh nghiệp và mức lương tương ứng.
Về trách nhiệm, các bên có thể thỏa thuận về việc NLĐ phải chịu trách nhiệm bồi thường bằng khoản tiền tương ứng từ 30% đến 50% của 12 tháng tiền lương trước khi NLĐ thôi việc.

Trên thực tế trên, để đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên trong quan hệ lao động, việc xây dựng Thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh phải được thiết lập với những giới hạn nhất định.

Thứ nhất, thời gian ký Thỏa thuận với NLĐ. Việc ký Thỏa thuận trước khi ký HĐLĐ cho phép NLĐ có quyền cân nhắc giữa các lợi ích được và mất, để lựa chọn giải pháp phù hợp cho riêng mình. Đồng thời, doanh nghiệp có thể cập nhật, bổ sung nội dung bản Thỏa thuận để phù hợp với tình hình thực tế trong quá trình NLĐ thực hiện HĐLĐ.

Thứ hai, giới hạn về thời gian và không gian mà NLĐ chịu nghĩa vụ. Thời gian và không gian có giá trị của thông tin thuộc về bí mật kinh doanh đối với vị trí và nội dung công việc của NLĐ là khác nhau. Luật hiện hành ưu tiên cho sự thỏa thuận giữa NSDLĐ với NLĐ nên doanh nghiệp cần đánh giá trong từng trường hợp cụ thể để quy định mức giới hạn tối đa áp dụng cho từng nhóm đối tượng.

Thứ ba, về hiệu lực của Thỏa thuận, theo Án lệ số 69 năm 2005 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tòa án xác định, “Thỏa thuận báo vệ bí mật kinh doanh là một thỏa thuận độc lập”. Như vậy, cần lưu ý rằng dù HĐLĐ hết hiệu lực thì Thỏa thuận bảo vệ BMKD sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực.

3. Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm Thỏa thuận
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự xử lý kỷ luật sa thải thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại Bộ luật Lao động.
Thực tế, việc thực hiện xử lý đối với hành vi vi phạm của NLĐ trong thời hạn thực hiện HĐLĐ được đánh giá là có thể thực hiện nếu doanh nghiệp chứng minh được lỗi của NLĐ và thiệt hại phát sinh.

b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì yêu cầu bồi thường, khởi kiện đòi bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Hiện vẫn còn nhiều tranh luận về thẩm quyền xử lý tranh chấp liên quan đến Thỏa thuận này sẽ thuộc thẩm quyền của Trọng tài thương mại hay Tòa án. Thực tiễn cho thấy, một số Tòa án khi xét xử cũng cho rằng tranh chấp này là tranh chấp dân sự nên Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết nếu các bên có thỏa thuận Trọng tài.
Thực tế, đã có rất nhiều tranh chấp xảy ra liên quan đến Thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh. Ví dụ, Theo Án lệ số 69, năm 2005, tại thành phố Hồ Chí Minh, trọng tài VIAC đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty B yêu cầu NLĐ là bà A bồi thường 200 triệu đồng do vi phạm thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt HĐLĐ.
Theo đó, chúng tôi đánh giá rằng nếu Thỏa thuận được xác lập dựa trên sự đồng ý của NSDLĐ và NLĐ thì sẽ được công nhận hiệu lực pháp luật; Đồng thời, việc yêu cầu NLĐ bồi thường do vi phạm Thỏa thuận là có cơ sở để xem xét.

Kết luận

Việc ký kết Thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh với người lao động là phương án hữu hiệu giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro bị rò ri bí mật kinh doanh ra bên ngoài. Bộ luật Lao động năm 2019  đã quy định về bảo  vệ bí mật kinh doanh tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Do đó, Doanh nghiệp cần nghiên cứu thêm quy định pháp luật liên quan khác như dân sự, sở hữu trí tuê, cạnh tranh và tham khảo các trường hợp thực tế, ý kiến các chuyên gia để xây dựng được một Thỏa thuận chặt chẽ.

Văn bản tham khảo
・Bộ luật lao động 2019
・Luật Sở hữu trí tuệ 2019
・Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH
・Án lệ số 69 năm 2005 tại Thành phố Hồ Chí Minh
(https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanle?dDocName=TAND315866)

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo