Một số điểm mới của Luật bảo hiểm xã hội năm 2024 (Phần tiếp theo)
2024/10/20
- Vu Hai Yen, Tran Thi Thu Uyen
Mở đầu:
Tiếp nối bài viết kỳ trước về một số điểm mới của Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025; kỳ này bài báo cáo tiếp tục cập nhật những điểm mới của Luật BHXH 2024 có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ và trách nhiệm của NSDLĐ trong việc thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ về việc đóng BHXH.
Bên cạnh các nội dung khái quát thay đổi về đối tượng tham gia BHXH, tiền lương tháng đóng BHXH, rút BHXH 1 lần; Luật BHXH 2024 còn quy định một số nội dung sửa đổi về quyền lợi và một số chế tài xử phạt khi vi phạm việc tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam. Từ đó, giúp Doanh nghiệp và NLĐ hiểu rõ, đảm bảo đầy đủ quyền lợi và phòng tránh các vi phạm liên quan đến BHXH.
1. Bổ sung chế tài về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH
Với tình trạng nhiều NSDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH cho NLĐ đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi NLĐ. Trên cơ sở đó, Luật bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định bổ sung cụ thể hơn các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và các biện pháp xử lý. Cụ thể tại Điều 40 + 41 Luật BHXH 2024 quy định như sau:
“1.Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
2. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.”
Tại khoản 1 trong quy định này, trong tương lai Chính phủ sẽ có Nghị định quy định rõ hơn về chế tài xử phạt.
Mức vi phạm hành chính hiện vẫn đang được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
+ NSDLĐ có hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 12 % đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng (Theo quy định tại khoản 5 Điều 39)
+ NSDLĐ có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng(Theo quy định tại khoản 7 Điều 39)
*Lưu ý: Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.( khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngoài vi phạm về mặt hành chính, Doanh nghiệp cũng sẽ bị công khai trên danh sách nợ đọng BHXH lên cổng thông tin, doanh nghiệp nợ bảo hiểm 6 tháng trở lên sẽ đưa vào dạng thanh tra.Tại thời điểm hiện tại, tình trạng tranh tra về vấn đề lao động và bảo hiểm ngày càng được đẩy mạnh hơn trong việc kiểm tra tình hình lao động, đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp. Đối tượng bị thanh tra gần đây cũng có sự mở rộng với cả các doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp đã thành lập được 3-5 năm. Tác giả cho rằng Luật Bảo hiểm 2024 đã thắt chặt để quy định bổ sung chế tài đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH với phía NSDLĐ. Đồng thời, phía NSDLĐ cũng cần lưu ý nghiêm túc rà soát và thực hiện tuân thủ quy định của pháp luật về BHXH để giảm rủi ro bị chỉ ra sai phạm khi thanh tra về lao động hoặc bảo hiểm.
2. Bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng BHXH đối với 1 số đối tượng NLĐ đặc biệt
Tại Luật BHXH 2014 chưa quy định rõ quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trên cơ sở này, theo quy định tại Điều 8 Luật BHXH 2024 đã bổ sung quy định như sau:
“Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam được tính theo thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.”.
Đối tượng NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà trước đó họ đã và đang tham gia đóng BHXH thì phần đã đóng này sẽ được bảo lưu, đảm bảo họ vẫn nhận được đầy đủ quyền lợi thụ hưởng khi quay trở về chứ không bị mất đi. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội với Hàn Quốc về việc NLĐ Việt nam và NLĐ Hàn Quốc khi làm việc trên lãnh thổ 2 nước sẽ không phải đóng BHXH ở cả 2 nơi. Theo đó, trước khi Hiệp định BHXH này được ký kết thì NLĐ đang phải đóng BHXH ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời cũng không được tính cộng gộp thời gian tham gia BHXH ở cả hai nước. Với quy định này, NLĐ sẽ gặp bất lợi trong việc phải trả thêm số tiền đóng BHXH. Qua việc ký kết Hiệp định BHXH, hai nước đã đạt được mục tiêu mong muốn trong thực hiện hiện sách BHXH như: tuân thủ các quy định pháp luật của mỗi nước; tránh đóng song trùng BHXH; đảm bảo tối ưu hóa quyền lợi của NLĐ Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và NLĐ Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam.
Hiện tại thì Việt Nam và Nhật Bản chưa ký kết Hiệp định Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP và khoản 1 điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP thì NLĐ Nhật Bản sang Việt Nam làm việc theo hình thức di chuyển nội bộ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể, theo quy định tại Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, NLĐ nước ngoài nếu có GPLĐ và HĐLĐ với thời hạn từ 12 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm bắt buộc, trừ trường hợp làm việc theo hình thức di chuyển nội bộ hoặc đủ tuổi nghỉ hưu. Lưu ý rằng, hình thức làm việc “di chuyển nội bộ” để xác định đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thông thường được các thanh tra căn cứ dựa trên GPLĐ đã được cấp.
3. Bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Tại thời điểm trước khi ban hành Luật bảo hiểm xã hội 2024, nhà nước chưa quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo Điều 23 Luật BHXH 2024, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếukhông hưởng BHXH 1 lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định. Cụ thể có sự khác nhau như sau:
Yếu tố đánh giá | Luật BHXH 2014 | Luật BHXH 2024 |
Điều kiện hưởng |
+ Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên; + Trong điều kiện làm việc bình thường, NLĐ nam đủ 60 tuổi, NLĐ nữ đủ 55 tuổi. (Theo quy định tại Điều 54 Luật BHXH 2014) |
+ Có đủ từ 15 năm đóng BHXH trở lên; + Trong điều kiện làm việc bình thường, NLĐ nam đủ 61 tuổi, NLĐ nữ đủ 56 tuổi 4 tháng. (Đây là độ tuổi nghỉ hưu năm 2024. Sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.)(Theo quy định tại Điều 64 Luật BHXH 2024 và Điều 169 Bộ Luật lao động) |
Điểm đổi mới trên chỉ áp dụng với đối tượng là công dân người Việt Nam. Hiện nay, với điều kiên đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu được đánh giá là quá dài, điều này làm giảm động lực tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Theo quy định sửa đổi tại Luật BHXH 2024 làm tăng cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ 15 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu hằng tháng. Trợ cấp hằng tháng này sẽ do bản thân NLĐ thực hiện tại cơ quan Bảo hiểm nơi NLĐ đang theo đóng.
Kết luận:
Tóm lại, Luật bảo hiểm xã hội 2024 đã gia tăng quyền, lợi ích, đảm bảo trọn vẹn quyền lợi cho NLĐ tích cực tham gia BHXH. Bên cạnh việc mở rộng cũng chính là thách thức đối với NSDLĐ trong việc tuân thủ các quy định pháp Luật của Việt Nam. Chúng tôi cũng đánh giá thêm rằng Luật BHXH đang từng bước có sự thay đổi nên khả năng cao sắp tới sẽ có nghị định hướng dẫn cụ thể hơn những điểm thay đổi. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và gửi tới Quý độc giả ở những bài viết sắp tới.
Văn bản Luật tham khảo:
• Luật Bảo hiểm xã hội số 2014
• Luật Bảo hiểm xã hội số 2024
• Nghị định số 12/2022/NĐ-CP
• Nghị định 143/2018/NĐ-CP