Các trường hợp được giảm vốn điều lệ trong công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020
2024/10/28
- Luong Diem My
Việc giảm vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là “VĐL”) là một quyết định quan trọng và có ảnh hưởng sâu rộng đối với định hướng hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Về mặt pháp luật, chỉ trong một số trường hợp nhất định, doanh nghiệp mới được thực hiện thủ tục này, bởi vì việc giảm VĐL làm giảm sự cam kết về mặt nguồn lực tài chính đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày một số nội dung về các trường hợp giảm VĐL, điều kiện thực hiện và những lưu ý về xử phạt khi vi phạm quy định về giảm VĐL đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (sau đây gọi tắt là “công ty TNHH”) nhằm để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết trước khi tiến hành giảm VĐL.
1. Các trường hợp được giảm VĐL
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH có thể giảm VĐL trong các trường hợp sau[1]:
STT | Các trường hợp giảm VĐL | Công ty TNHH một thành viên | Công ty TNHH hai thành viên trở lên |
1 | Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu/thành viên công ty | Áp dụng | Áp dụng |
2 | Công ty mua lại phần vốn góp | Không áp dụng | Áp dụng
|
3 | VĐL không được toán đầy đủ và đúng hạn | Áp dụng | Áp dụng |
2. Điều kiện giảm VĐL
2.1 Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu/thành viên của công ty:
Để được giảm VĐL theo hình thức này, công ty phải đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:
(i) Hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp; và
(ii) Bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp.
Trên thực tiễn, đây được đánh giá là hình thức giảm VĐL phổ biến nhất, tuy nhiên, hình thức này có sự hạn chế nhất định. Cụ thể, Công ty không thể thực hiện giảm VĐL trong 2 năm kinh doanh đầu tiên của doanh nghiệp cũng như hạn chế về việc phải đảm bảo khả năng chi trả các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác với các bên liên quan (như cơ quan thuế; nhà cung cấp, đối tác, v.v.) của doanh nghiệp khi giảm vốn.
2.2 Công ty mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên công ty:
Trường hợp này chỉ áp dụng đối với loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên (Không áp dụng đối với công ty có 1 chủ sở hữu). Theo đó, thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
(a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
(b) Tổ chức lại công ty;
(c) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty[2].
Việc yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp là kết quả của việc thành viên không thống nhất ý kiến với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về một trong các vấn đề nêu trên, và hệ quả của việc công ty mua lại phần vốn góp của thành viên là công ty phải giảm VĐL. Theo đó, Công ty được quyền mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên công ty khi có đủ 02 điều kiện sau:
(i) Thành viên gửi yêu cầu mua lại phần vốn góp bằng văn bản đến công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định mà thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành[3]; và
(ii) Sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được yêu cầu mua lại, Công ty vẫn thanh toán đủ được các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty[4].
Về giá mua lại phần vốn góp thì theo thỏa thuận của hai bên (công ty và thành viên) hoặc theo giá thị trường hoặc theo giá xác định theo nguyên tắc tại Điều lệ của Công ty. Ngoài ra, nếu công ty không đáp ứng được điều kiện (ii) nêu trên, thành viên yêu cầu mua lại phần vốn góp có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc cho người không phải là thành viên công ty. Trong trường hợp này, số VĐL sẽ được giữ nguyên.
2.3 VĐL không được toán đầy đủ và đúng hạn:
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên/chủ sở hữu phải góp đủ số vốn đã cam kết trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp[5]. Sau thời hạn này, nếu thành viên/chủ sở hữu chưa góp hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết, dẫn đến số vốn góp vào thấp hơn so với cam kết, công ty phải đăng ký giảm VĐL theo số vốn đã góp tương ứng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp. So với hai trường hợp nêu trên, trường hợp giảm VĐL này mang tính bị động và xảy ra trong giai đoạn đầu thành lập công ty.
Đối với trường hợp giảm vốn nêu trên, Công ty cần lưu ý một số điểm như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp việc giảm VĐL làm thay đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH hai thành viên trở lên thành công ty TNHH một thành viên, công ty phải đồng thời thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Điều 24 và khoản 3 Điều 26 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Thứ hai, Công ty có thể tiến hành các thủ tục trên đồng thời mà không tách rời thủ tục.
3. Một số lưu ý khác:
Hành vi | Hình thức xử phạt | Cơ sở pháp lý |
Không thực hiện thủ tục giảm vốn (đối với trường hợp 2.3) | – Mức phạt tiền: từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng – Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên |
Điểm a khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP. |
Vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để giảm vốn điều lệ (đối với trường hợp 2.1 & 2.2) | Trường hợp tiến hành thủ tục quá thời hạn quy định: – Tùy vào số ngày quá hạn mà hình thức xử phạt sẽ từ cảnh cáo đến phạt tiền từ 3 triệu đến 20 triệu đồng. – Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục nếu chưa thực hiện.Trường hợp không tiến hành thủ tục: – Mức phạt tiền là 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng – Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục |
Điều 44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP. |
Dựa trên những nội dung đã trình bày như trên, các doanh nghiệp sẽ có cái nhìn khái quát về mặt quy định trước khi quyết định tiến hành giảm VLĐ. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sử dụng vốn một cách hiệu quả, phù hợp tình hình của doanh nghiệp, đồng thời giúp đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về doanh nghiệp, từ đó mang lại những lợi ích bền vững và lâu dài.
[1] Khoản 3 Điều 68 và khoản 3 Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020
[2] Khoản 1 Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020
[3] Khoản 2 Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020
[4] Khoản 3 Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020
[5] Khoản 2 Điều 47 và khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020