Các hình thức tăng vốn điều lệ đối với Công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động dưới mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn theo Luật Doanh nghiệp 2020
2025/01/26
- Nguyen Hong Thuan
Tăng vốn điều lệ (“VĐL”) đối với Công ty có vốn đầu tư nước ngoài (“Công ty FDI”) hoạt động dưới mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (“Công ty TNHH”) là quá trình chủ sở hữu/thành viên tăng số vốn góp của mình trong Công ty nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị; v.v. Theo đó, các Công ty FDI thường phát sinh thủ tục tăng vốn điều lệ sau giai đoạn thành lập công ty và thường gắn liền với các kế hoạch kinh doanh trong một giai đoạn nhất định. Trong phạm vi bài báo cáo này, tác giả sẽ trình bày về các trường hợp tăng VĐL, thủ tục và đưa ra một số lưu ý liên quan cho Công ty FDI hoạt động dưới mô hình công ty TNHH.
1. Các trường hợp tăng VĐL trong Công ty TNHH:
1.1. Đối với Công ty TNHH một thành viên:
Theo quy định tại Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020, có 2 hình thức tăng vốn điều lệ trong Công ty TNHH một thành viên:
Hình thức 1: Chủ sở hữu công ty góp thêm vốn vào Công ty. Đối với hình thức này, chủ sở hữu vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu 100% vốn góp tại Công ty, đồng thời, vẫn tiếp tục duy trì loại hình doanh nghiệp là Công ty TNHH một thành viên.
Hình thức 2: Huy động thêm vốn góp từ người khác. Đối với hình thức này, chủ sở hữu không còn duy trì tỷ lệ sở hữu 100% vốn góp tại Công ty. Theo đó, tỷ lệ sở hữu các thành viên góp vốn (bao gồm chủ sở hữu hiện tại và người góp vốn mới) sẽ được tính tương ứng trên giá trị phần vốn góp góp vào Công ty. Ngoài ra, Công ty buộc phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH một thành viên sang loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
1.2. Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Theo quy định tại Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ bằng 01 trong 02 hình thức như sau:
Hình thức 1: Tăng vốn góp của thành viên góp vốn hiện hữu.
Theo đó, đối với hình thức tăng vốn này, các thành viên hiện hữu sẽ góp thêm vốn tương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Vì vậy, đặc trưng của hình thức huy động vốn này là tỷ lệ sở hữu vốn của các thành viên trong công ty hay cụ thể là tỷ lệ kiểm soát Công ty giữa các Thành viên không có sự thay đổi.
Tuy nhiên, các Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định về chuyển nhượng phần vốn góp được quy định tại Điều 52 của Luật Doanh nghiệp 2020. Ngoài ra, trường hợp có thành viên không góp hoặc chỉ góp một phần thì số vốn phải góp còn lại của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp hiện tại của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác. Do đó, trong các trường hợp đặc biệt này, việc tăng VĐL vẫn có thể dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn của các thành viên trong Công ty.
Hình thức 2: Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới:
Theo đó, hình thức tăng vốn này ngoài việc làm tăng vốn điều lệ của Công ty thì còn dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn giữa các thành viên trong Công ty. Do đó, các thành viên hiện hữu, đặc biệt là các thành viên đang nắm quyền kiểm soát Công ty cần cân nhắc kỹ càng về số lượng thành viên mới và số vốn góp thêm để tránh bị “pha loãng” tỷ lệ kiểm soát dẫn đến mất quyền kiểm soát trong Công ty.
Ngoài ra, theo Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020, số lượng thành viên trong mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên giao động từ 2 đến 50 thành viên. Do đó, khi tiếp nhận thêm thành viên mới mà dẫn đến tổng số thành viên góp vốn vượt trên 50 thành viên thì Công ty buộc phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang loại hình công ty cổ phần.
2. Thủ tục tăng vốn điều lệ:
Theo đó, các thủ tục chính khi thực hiện tăng VĐL trong Công ty FDI hoạt động dưới loại hình Công ty TNHH như sau:
(i) Thủ tục đăng ký góp vốn theo quy định pháp luật đầu tư (thường được gọi tắt là thủ tục “M&A approval”): Trường hợp, NĐTNN góp vốn vào Công ty FDI để tăng vốn điều lệ thì NĐTNN phải thực hiện thủ tục Đăng ký góp vốn với Cơ quan quản lý đầu tư nếu thuộc vào 01 trong 03 trường hợp sau:
Một là, việc góp vốn làm tăng tỷ lệ sở hữu của các NĐTNN trong Công ty FDI có kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NĐTNN. Trong đó, Danh sách ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NĐTNN được quy định tại Mục B, Phụ lục I, Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Hai là, việc góp vốn làm tăng tỷ lệ sở hữu của các NĐTNN và các công ty bị xem là NĐTNN trong Công ty FDI: tăng từ dưới 50% lên trên 50% hoặc làm tăng tỷ lệ sở hữu của các NĐTNN nếu tỷ lệ sở hữu của các NĐTNN hiện tại đã trên 50%.
Ba là, NĐTNN góp vốn vào Công ty FDI có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đơn vị hành chính cấp xã vùng biên giới, vùng ven biển hoặc khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.
(ii) Thủ tục Đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh
Việc tăng vốn điều lệ sẽ dẫn đến việc thay đổi một số nội dung đăng ký doanh nghiệp như thông tin về số vốn điều lệ, thông tin thành viên công ty, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, v.v. Theo quy định, khi có sự thay đổi như trên, Công ty TNHH cần phải thực hiện thủ tục Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với Sở KHĐT trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, nếu việc tăng vốn điều lệ thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục (i) thì Công ty FDI bắt buộc đính kèm kết quả thủ tục (i) vào thủ tục (ii). Vì vậy, Công ty FDI phải hoàn tất thủ tục (i) trước khi thực hiện thủ tục (ii).
(iii) Thủ tục sửa đổi Điều lệ của Công ty:
Thông tin về VĐL là nội dung chủ yếu được ghi nhận tại Điều lệ công ty, do đó, khi tăng VĐL, Công ty cần phải thực hiện thủ tục sửa đổi Điều lệ để cập nhật thông tin. Theo đó, việc sửa đổi thường được thể hiện dưới hình thức Phụ lục điều lệ và là thủ tục nội bộ trong doanh nghiệp mà không cần đăng ký hay thông báo với cơ quan nhà nước.
(iv) Thủ tục đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Đối với Công ty FDI có các dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu sau khi tăng VĐL mà dẫn đến thay đổi các thông tin tại dự án đầu tư như thông tin vốn góp tại dự án, thông tin tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư, v.v. thì Công ty phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án tương ứng.
3. Một số lưu ý khác:
3.1. Thẩm quyền tăng vốn điều lệ:
Đối với Công ty TNHH một thành viên, Chủ sở hữu công ty là chủ thể có thẩm quyền quyết định việc tăng vốn điều lệ. Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Hội đồng thành viên (HĐTV) là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tăng vốn điều lệ. Theo đó, Quyết định tăng vốn của HĐTV phải được thông qua tại cuộc họp của HĐTV với tỷ lệ biểu quyết tán thành từ 75% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định một tỷ lệ khác.
3.2. Loại tài sản góp vốn:
Việc tăng VĐL có thể được thực hiện bằng nhiều loại tài sản khác nhau như Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có chủ thể là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn để tăng VLĐ.
Tăng VĐL không còn là một vấn đề quá xa lạ và khó khăn đối với các Công ty FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, các Công ty cần lựa chọn hình thức tăng vốn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp đồng thời cần nắm vững các thủ tục và lưu ý liên quan để quá trình tăng vốn VĐL để vừa kịp thời đáp ứng nhu cầu về tài chính của Công ty nhưng vẫn đảm tuân thủ quy định pháp luật sở tại.
Tài liệu tham khảo:
・Luật Đầu tư 2020
・Luật Doanh nghiệp 2020