ReportBáo cáo

Những lưu ý khi thành lập Trung tâm đào tạo ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

2025/03/01

  • Huynh Minh Trang

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nhu cầu học tập, bồi dưỡng ngắn hạn về ngoại ngữ tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Do đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nhật cũng gia tăng.
Tại bài báo cáo này, chúng tôi sẽ phân tích những lưu ý đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thành lập Trung tâm đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam.

1. Quy định pháp lý về thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ
Theo Biểu cam kết dịch vụ WTO, hiện nay Nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh dịch vụ đào tạo ngoại ngữ, thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Mặc khác, căn cứ Khoản 2 Điều 2 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trung tâm đào tạo ngoại ngữ là một hình thức của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Do đó, khi thành lập trung tâm ngoại ngữ, nhà đầu tư cần đáp ứng các quy định về quy trình cũng như điều kiện thành lập như dưới đây.

2. Quy trình thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ
Căn cứ Khoản 1 Điều 45 Nghị định 86/2018/NĐ-CP, điều kiện cho phép hoạt động giáo dục với trung tâm đào tạo ngoại ngữ là có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) và Quyết định cho phép hoạt động giáo dục.
Chúng tôi chia thủ tục thành lập theo 3 trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Thành lập pháp nhân mới
Trường hợp này áp dụng khi nhà đầu tư đã quyết định được địa điểm của trung tâm đào tạo ngoại ngữ từ bước xin cấp GCNĐKĐT. Trụ sở chính có thể đặt tại cùng hoặc khác địa điểm với trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu địa điểm khác nhau thì ngoài ba bước dưới đây, cần phải thực hiện thêm thủ tục thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh.

 

Tại Bước 1, thông thường các cơ quan ban ngành sẽ thẩm định các nội dung chủ yếu như chủ trương đầu tư, vốn đầu tư (Bộ KH&ĐT); vị trí của trung tâm so với giao thông lân cận (Bộ Giao thông Vận tải); thẩm định về quy hoạch, mục đích sử dụng của dự án (UBND); chương trình đào tạo, tiêu chuẩn nhân sự (Bộ Giáo dục và Đào tạo), …
Do đó, ngay tại bước này, nhà đầu tư đã cần giải trình đáp ứng các điều kiện về vốn đầu tư, cơ sở vật chất, thiết bị, số lượng và trình độ của các giáo viên, … Chi tiết về các điều kiện sẽ được đề cập tại mục 3 của bài báo cáo này.

Trường hợp 2: Bổ sung ngành nghề để thực hiện hoạt động giáo dục
Trường hợp nhà đầu tư chưa tìm được địa điểm phù hợp cho hoạt động giáo dục tại thời điểm thành lập công ty, cần thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề giáo dục trong GCNĐKĐT và GCNĐKDN tại thời điểm xác định được địa điểm của trung tâm. Thông thường, khi bổ sung ngành nghề, nhà đầu tư cần tăng vốn.
Trường hợp thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang địa điểm của trung tâm, ngoài việc bổ sung thông tin trên, cần thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ.
Trường hợp chỉ thành lập trung tâm tại địa điểm mới, cần thực hiện thủ tục thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh.

Trường hợp 3: Thành lập thêm trung tâm đào tạo ngoại ngữ
Trường hợp thành lập trung tâm mới, mỗi trung tâm được coi là một dự án độc lập. Trường hợp này, công ty cần tiến hành tăng vốn và thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh. Sau đó, cần nộp hồ sơ xin cấp GCNĐKĐT và Quyết định cho phép hoạt động giáo dục riêng cho từng trung tâm.

3. Điều kiện cấp Quyết định cho phép hoạt động giáo dục
Để được xem xét cấp phép hoạt động giáo dục, nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện sau:

STT Điều kiện Quy định pháp lý Lưu ý
1 Vốn ・Vốn tối thiểu: 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).
・Trường hợp không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại, mức đầu tư ít nhất phải đạt 14 triệu đồng/học viên.
・Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.
Ví dụ: Trường hợp số lượng học viên dự kiến tại thời điểm có quy mô cao nhất là 40 người, số vốn đầu tư tối thiểu sẽ bằng 40 người x 20 triệu đồng = 800 triệu đồng.
・Thực tế, nhà đầu tư cần chuẩn bị số vốn nhiều hơn số vốn tối thiểu nêu trên để được cấp phép hoạt động giáo dục.
・Số lượng học viên dự kiến tại thời điểm có quy mô cao nhất được hiểu là số lương học viên ở thời điểm mà tất cả các ca học được diễn ra, hay nói cách khác là thời điểm mà tất cả học viên đều có mặt ở trung tâm.
2 Cơ sở vật chất ・Đảm bảo diện tích tối thiểu 2,5m2/người học;
・Thời gian thuê địa điểm trung tâm tối thiểu là 05 năm;
・Bảo đảm ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy theo yêu cầu của chương trình giáo dục;
・Có văn phòng của ban giám đốc, lãnh đạo, phòng giáo viên, thư viện và các phòng chức năng khác;
・Đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động.
・Việc xin giấy phép thường kéo dài khoảng 1 năm, vì vậy hợp đồng thuê nên có thời gian từ 6 năm trở lên.
・Nếu Trung tâm giáo dục nằm trong tòa nhà cao tầng, cần đặt tại tầng 4 trở xuống (tùy quan điểm tại địa phương).
・Tùy từng trường hợp, chuyên viên của Sở GD&ĐT và Sở KH&ĐT có thể đến kiểm tra địa điểm thực tế.
3 Chương trình giáo dục ・Không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng;
・Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận hoặc kiểm định chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước sở tại;
・Cần có ít nhất 5 năm kinh nghiệm thực hiện giảng dạy trực tiếp
・Cần giải trình chi tiết về nội dung chương trình học.
・Cần nộp các tài liệu như giấy chứng nhận/ giấy phép chương trình giáo dục, tài liệu chứng minh quyền sử dụng chương trình.
・Do quá trình thẩm định nghiêm ngặt, nhà đầu tư nên xác nhận trước với cơ quan nhà nước.
4. Nhân sự
4.1 Giám đốc và Phó Giám đốc trung tâm Về bằng cấp: Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ.
・Về kinh nghiệm: Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (ví dụ: có kinh nghiệm quản lý, tuyển sinh… trong các cơ sở giáo dục).
・Giám đốc Công ty có thể đồng thời là Giám đốc Trung tâm.
4.2 Giáo viên Về số lượng: tối đa là 25 học viên/giáo viên
Về bằng cấp:
[Giáo viên là người Việt Nam]

Cần có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên, hoặc; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
[Giáo viên là người nước ngoài]
Cần đạt một trong các điều kiện sau:
(1) Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; hoặc
(2) Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp; hoặc
(3) Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.
[Giáo viên nước ngoài là người bản ngữ]
Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.
・Giáo viên là người nước ngoài cần có GPLĐ (Cần lưu ý thực hiện việc xin cấp Giấy phép lao động trước khi xin cấp Quyết định cho phép hoạt động giáo dục.)

Kết luận
Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và tính phù hợp đối với môi trường tại Việt Nam, pháp luật đã đưa ra các điều kiện chặt chẽ đối với việc cấp phép thành lập Cơ sở đào tạo ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian thẩm định cấp phép có thể kéo dài do sự khác biệt trong cách áp dụng luật hoặc yêu cầu bổ sung tài liệu từ cơ quan cấp phép, do đó Nhà đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ và rõ ràng về các điều kiện đầu tư, hồ sơ thành lập và kế hoạch thực hiện để đảm bảo tính khả thi và tiến độ của dự án.

Căn cứ:
・Luật Giáo dục 2019;
・Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;
・Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 86/2018/NĐ-CP;
・Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về điều kiện mở ngành, tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Liên hệ nếu doanh nghiệp có
những nhu cầu liên quan đến báo cáo