QUY ĐỊNH VỀ HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
2024/02/25
Mở đầu:
Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (“ATVSLĐ”) là một trong những nghĩa vụ quan trọng của người sử dụng lao động (“NSDLĐ”), nhằm tạo ra một môi trường làm việc an toàn và đảm bảo hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, mà tất cả NSDLĐ trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều có nghĩa vụ huấn luyện ATVSLĐ. Tuy nhiên, không nhiều NSDLĐ biết và thực hiện các quy định này. Do đó, bài bào cáo sẽ các quy định về hoạt động huấn luyện ATVSLĐ cũng như một số vấn đề đáng lưu ý dành cho NSDLĐ khi thực hiện các quy định liên quan đến vấn đề này.
- 1. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động:
Về việc tổ chức huấn luyện, như đã đề cập ở trên, tất cả NSDLĐ (bao gồm doanh nghiệp, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, v.v[1]) đều có nghĩa vụ tổ chức huấn luyện ATVSLĐ[2]. Việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ có thể được thực hiện thông qua việc thuê tổ chức huấn luyện bên ngoài[3] hoặc tự tổ chức huấn luyện. Lưu ý rằng dù thuê huấn luyện bên ngoài hay tự huấn luyện, bên huấn luyện đều phải đáp ứng đủ điều kiện để tổ chức việc huấn luyện tương ứng với những nhóm đối tượng mà mình huấn luyện[4]. Trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện huấn luyện nên đa phần đều sử dụng dịch vụ huấn luyện bên ngoài.
- 2. Đối tượng tham dự, nội dung, thời gian huấn luyện và huấn luyện định kỳ:
Dựa trên các đặc điểm chung về công việc, yêu cầu về ATVSLĐ, đối tượng tham dự huấn luyện được chia thành 6 nhóm. Mỗi nhóm sẽ được huấn luyện theo các nội dung và thời gian khác nhau, nhưng nhìn chung nội dung huấn luyện được chia thành 5 phần chính:
Phần 1: Hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ;
Phần 2: Nghiệp vụ công tác ATVSLĐ
Phần 3: Huấn luyện chuyên ngành về kỹ thuật an toàn thiết bị
Phần 4: Kiến thức cơ bản về ATVSLĐ
Phần 5: Huấn luyện trực tiếp tại nơi làm việc (về quy trình làm việc và yêu cầu cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc)
Các nội dung và thời gian huấn luyện đối với từng nhóm cụ thể theo bảng bên dưới[5]:
Nhóm đối tượng | Nội dung huấn luyện | Thời gian huấn luyện |
Nhóm 1: Người đứng đầu công ty, phòng, ban, v.v. và cấp phó người đứng đầu (Nhóm nhân sự quản lý)
|
(1) – Phần 1
(2) – Phần 2: chỉ huấn luyện một số nội dung cơ bản như tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về ATVSLĐ ở cơ sở; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công ATVSLĐ, v.v.) |
– Huấn luyện lần đầu: ít nhất 16 giờ (1 lần duy nhất), bao gồm thời gian kiểm tra.
– Huấn luyện bồi dưỡng: ít nhất 08 giờ/2 năm/lần. |
Nhóm 2: Người làm công tác ATVSLĐ | (1) – Phần 1
(2) – Phần 2: Huấn luyện đầy đủ các nội dung (3) – Phần 3 |
– Huấn luyện lần đầu: ít nhất 48 giờ (1 lần duy nhất), bao gồm thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra.
– Huấn luyện bồi dưỡng: ít nhất 24 giờ/2 năm/lần. |
Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ (thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được ban hành kèm theo Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH) | – Phần 1
– Phần 3 – Phần 4
|
– Huấn luyện lần đầu: ít nhất 24 giờ (1 lần duy nhất), bao gồm thời gian kiểm tra.
– Huấn luyện bồi dưỡng: ít nhất 12 giờ/2 năm/lần[6]. |
Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6 quy định tại khoản này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho NSDLĐ. | – Phần 4
– Phần 5 (1) |
– Huấn luyện lần đầu: ít nhất 16 giờ, bao gồm thời gian kiểm tra.
– Huấn luyện định kỳ: 08 giờ/ ít nhất 1 lần/năm. |
Nhóm 5: Người làm công tác y tế | (1) Tương tự như Nhóm 1
(2) |
– Huấn luyện lần đầu: ít nhất 16 giờ (1 lần duy nhất), bao gồm thời gian kiểm tra.
– Huấn luyện bồi dưỡng: ít nhất 08 giờ/2 năm/lần. |
Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định[7]. | (1) Tham gia các nội dung huấn luyện tương ứng với nhóm huấn luyện mà mình đang làm việc;
(2) Tham gia huấn luyện bổ sung về kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên. |
– Huấn luyện lần đầu: ít nhất 4 giờ (1 lần duy nhất)
– Huấn luyện bồi dưỡng: ít nhất 02 giờ/2 năm/lần. |
Ngoài ra, khi có sự thay đổi về công việc; về thiết bị, công nghệ hoặc sau thời gian nghỉ làm việc thì người lao động cần phải được huấn luyện lại theo quy định[8].
- 3. Một số lưu ý khác về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động:
Thứ nhất, về nghĩa vụ báo cáo về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Hằng năm, trước ngày 10/01 của năm sau năm báo cáo, NSDLĐ phải nộp báo cáo về công tác ATVSLĐ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (trực tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử) theo mẫu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BLDTBXH.
Thứ hai, về chi phí tổ chức và hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
NSDLĐ sẽ chịu các chi phí cho việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ và được ghi nhận là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định luật thuế TNDN. Tuy nhiên, NSDLĐ sẽ được nhận kinh phí hỗ trợ cho các chi phí huấn luyện này từ cơ quan bảo hiểm xã hội khi tổ chức huấn luyện cho các nhóm 1, 2, 3, 5, 6 với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế/mỗi đối tượng được huấn luyện nhưng không quá mức hỗ trợ tối đa luật định[9] nếu đáp ứng đủ các điều kiện được nhận hỗ trợ theo quy định của pháp luật[10].
Thứ ba, lương của người lao động khi tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Người lao động vẫn sẽ được hưởng lương đầy đủ cho thời gian tham gia huấn luyện ATVSLĐ[11].
Thứ tư, quy định xử lý vi phạm hành chính về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Trong trường hợp, NSDLĐ không thực hiện đầy đủ & đúng quy định về huấn huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động thì sẽ có rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, mức phạt cho một số vi phạm điển hình như sau:
Mức phạt | Một số vi phạm điển hình |
Phạt tiền 10 – 100 triệu đồng | Không tổ chức huấn luyện[12] |
Mức phạt 2 – 6 triệu đồng | Không nộp báo cáo huấn luyện hoặc báo cáo không đúng thời hạn[13] |
Kết luận:
Việc huấn luyện và tham gia huấn luyện ATVSLĐ là nghĩa vụ luật định cho cả NSDLĐ lẫn người lao động. Tuy nhiên trên thực tế, nghĩa vụ này không được nhiều NSDLĐ quan tâm và thực hiện. Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng của việc huấn luyện ATVSLĐ cũng như để tránh các rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính, tất cả NSDLĐ cần đặt huấn luyện ATVSLĐ là một trong những nội dung cần tuân thủ trong quá trình hoạt động của mình.
[1] Xem định nghĩa người sử dụng lao động tại Điều 3.2 Bộ luật Lao động 2019.
[2] Điều 7.2(b) Luật ATVSLĐ 2015
[3] Điều 14.1, 14.2 và 14.4 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
[4] Điều 14.7 Luật Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Điều 26.1 Nghị định 44/2016/NĐ-CP, sửa đổi bởi Điều 1.11 Nghị định 140/2018/NĐ-CP
[5] Điều 17, 18, 19, 21 Nghị định 44/2016/NĐ-CP, Điều 1.5, Điều 1.6 và Điều 2 Nghị định 140/2018/NĐ-CP.
[6] Theo xác nhận không chính thức với Sở Lao động – Thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
[7] Điều 74 Luật ATVSLĐ.
[8] Điều 21.3 Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
[9] Điều 34 Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
[10] Điều 32 Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
[11] Điều 58.6 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
[12] Điều 25.1 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
[13] Điều 20.2 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.