Một số lưu ý quan trọng khi tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức thực hiện hợp đồng lao động
2024/05/19
- Ho Thi Y NhiI
Việc sử dụng người lao động nước ngoài (“NLĐNN”) luôn là một trong những nhu cầu thiết yếu của nhiều NSDLĐ tại Việt Nam (“NSDLĐ”), đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, bên cạnh việc sử dụng những NLĐNN được phái cử từ công ty mẹ sang, nhiều NSDLĐ lựa chọn hình thức tự tìm kiếm và tuyển dụng NLĐNN trực tiếp (tự tuyển dụng). Hay NLĐNN trong trường hợp này sẽ được gọi là “NĐLNN làm việc tại Việt Nam dưới hình thức thực hiện HĐLĐ”. Tuy nhiên, không nhiều NSDLĐ nắm bắt đầy đủ và toàn diện các quy định và lưu ý liên quan đến việc sử dụng NLĐNN theo hình thức này. Vì vậy, qua bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số một số lưu ý quan trọng khi sử dụng NLĐNN dưới hình thức thực hiện HĐLĐ để các NSDLĐ nắm bắt và tuân thủ đúng quy định tại Việt Nam.
1. Định nghĩa NLĐNN làm việc tại Việt Nam dưới hình thức thực hiện HĐLĐ:
Theo quy định pháp luật Việt Nam, NLĐNN có thể làm việc tại Việt Nam dưới nhiều hình thức như di chuyển trong nội bộ (công ty mẹ cử NLĐNN đã có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 1 năm sang công ty con VN làm việc), thực hiện HĐLĐ hay hình thức thực hiện hợp đồng kinh tế (NLĐNN sang Công ty VN làm việc theo thỏa thuận tại hợp đồng kinh tế giữa đối tác nước ngoài và công ty VN). v.v.[1]
Trong đó, NLĐNN làm việc tại Việt Nam dưới hình thức thực hiện HĐLĐ được hiểu là người có quốc tịch nước ngoài được NSDLĐ tại Việt Nam tự tuyển dụng để làm việc cho chính họ, có giao kết Hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý của NSDLĐ.
2. Điều kiện sử dụng NLĐNN tại Việt Nam:
Về nguyên tắc, NSDLĐ khi sử dụng NLĐNN làm việc dưới tất cả hình thức làm việc (dù NLĐNN do công ty mẹ cử sang hay tự tuyển dụng) thì phải đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điều 152, BLLĐ 2019[2]. Cụ thể như sau:
Điều kiện 1: NSDLĐ chỉ được sử dụng NLĐNN khi không tuyển dụng được người lao động Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ.
Do đó, về mặt quy trình, trước khi tuyển dụng NLĐNN, NSDLĐ phải thực hiện thủ tục tuyển dụng NLĐVN vào vị trí dự kiến sử dụng NLĐNN trên Cổng thông tin điện tử của Cục việc làm hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm của từng địa phương[3]. Nếu không có bất kỳ ứng viên người Việt Nam phù hợp với tiêu chí tuyển dụng thì NSDLĐ mới có thể tiến hành thủ tục tuyển dụng NLĐNN.
Điều kiện 2: NSDLĐ phải giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN và nhận được sự chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền trước khi tuyển dụng NLĐNN. Cụ thể, NSDLĐ giải thích cho cơ quan có thẩm quyền sự cần thiết phải sử dụng NLĐNN thay vì sử dụng NLĐVN. Đây cũng chính là một bước quan trọng trong quy trình xin cấp Giấy phép lao động (“GPLĐ”) cho NLĐNN làm việc tại Việt Nam.
Tóm lại, NSDLĐ sẽ không được tự do sử dụng NLĐNN theo nhu cầu của mình mà chỉ được sử dụng khi có nhu cầu thật sự và có sự chấp thuận từ cơ quan cấp phép Việt Nam. Có thể hiểu, những quy định về điều kiện tuyển dụng NLĐNN phần nào thể hiện tinh thần “ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam” của Nhà nước Việt Nam, do đó, NSDLĐ cần hiểu rõ để chuẩn kế hoạch sử dụng nhân sự phù hợp.
3. Khái quát quy trình sử dụng NLĐNN làm việc dưới hình thức thực hiện HĐLĐ:
3.1. Thủ tục xin cấp GPLĐ:
Về thủ tục xin cấp GPLĐ cho NLĐNN làm việc dưới hình thức thực hiện HĐLĐ về cơ bản gồm 3 bước:
・Bước 1: Thông báo tuyển dụng NLĐVN vào vị trí dự kiến tuyển dụng NLĐNN
・Bước 2: Giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN
・Bước 3: Thủ tục xin cấp GPLĐ cho NLĐNN
Khi so sánh thủ tục xin cấp GPLĐ cho NLĐNN làm việc tại Việt Nam dưới hình thức thực hiện HĐLĐ với các hình thức làm việc khác như di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, thời gian thực hiện Bước 3 sẽ nhanh chóng hơn do việc chuẩn bị hồ sơ “Bước 3: thủ tục xin cấp GPLĐ cho NLĐNN” làm việc tại Việt Nam dưới hình thức thực hiện HĐLĐ sẽ đơn giản hơn.
3.2. Nghĩa vụ giao kết HĐLĐ với NLĐNN:
3.2.1 Giao kết hợp đồng lao động và nghĩa vụ nộp hợp đồng lao động
Khác với các hình thức làm việc khác, đối với NLĐNN làm việc theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động, sau khi được cấp GPLĐ, NSDLĐ và NLĐNN bắt buộc phải giao HĐLĐ bằng văn bản trước ngày dự kiến làm việc cho NSDLĐ. Sau khi ký kết, NSDLĐ phải gửi hợp đồng lao động (bản gốc/ bản sao) đến cơ quan cấp GPLĐ [4].
3.2.2 Nội dung hợp đồng lao động
Nội dung của hợp đồng lao động sẽ bao gồm các nội dung chủ yếu được quy định tại Điều 3, Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH. Trong đó, NSĐLĐ cần lưu ý, thời hạn của HĐLĐ đối với NLĐNN không được vượt quá thời hạn của GPLĐ (tối đa 02 năm)[5]. Đặc biệt, NSDLĐ có thể ký nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn với NLĐNN miễn là thời hạn HĐLĐ nằm trong phạm vi thời hạn của GPLĐ đã được cấp. Điểm này là điểm khác biệt so với NLĐVN, bởi lẽ, NSDLĐ chỉ được quyền ký tối đa 2 lần HĐLĐ xác định thời hạn NLĐVN.
Ngoài ra, trong Hợp đồng lao động với NLĐNN phải ghi nhận thông tin GPLĐ của NLĐNNN, đơn vị tiền lương có thể là Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ.
3.3. Chế độ bảo hiểm bắt buộc sau khi ký kết hợp đồng:
Theo quy định pháp luật, NLĐNN sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện sau[6]:
・Có giao kết HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 năm trở lên;
・Có giấy phép lao động;
・Không làm việc tại Việt Nam dưới hình thức Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; và
・Chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định pháp luật Việt Nam.
Đối với BHYT, NLĐNN sẽ thuộc đối tượng tham gia BHYT nếu có giao kết HĐLĐ với NSDLĐ từ đủ 3 tháng trở lên[7].
Do đó, sau khi NSDLĐ được cấp GPLĐ và giao kết HĐLĐ với NSDLĐ, NSDLĐ cần xác định NLĐNN có thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT hay không để thực hiện thủ tục kê khai và tham gia BHXH, BHYT cho NLĐNN với cơ quan BHXH tại Việt Nam.
Kết luận
Tóm lại, pháp luật lao động Việt Nam có những quy định về điều kiện, quy trình đặc thù cho việc tuyển dụng và sử dụng NLĐNN theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động. Vì vậy, nếu NSDLĐ có nhu cầu tuyển dụng NLĐNN cần phải hiểu rõ để thực hiện đúng quy định cũng như để xây dựng kế hoạch phù hợp để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
[1] Khoản 1, Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
[2] Điều 152, Bộ Luật lao động 2019
[3] Khoản 2, Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP.
[4] Khoản 3, điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP
[5] Khoản 2, Điều 151 Bộ luật Lao động 2019
[6] Khoản 2, Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.
[7] Khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế