Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất
Mục lục
Theo hướng dẫn tại Công văn 10882/CT-TT&HT, trường hợp Công ty có các khoản chi bằng tiền cho nhân viên phục vụ cho các mục đích như tiếp khách, thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, thực hiện thủ tục liên quan tới giấy phép đầu tư, nếu các khoản chi này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh thì sẽ được hiểu là khoản thu nhập và lợi ích khác của nhân viên. Khoản thu nhập này sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của nhân viên tương ứng với số tiền thực chi.
Công ty chi trả thu nhập cho người lao động theo tiền lương NET (không bao gồm thuế TNCN) và đứng ra nộp thuế TNCN cho người lao động theo quy định. Trường hợp, thuế TNCN đã nộp thừa so với quyết toán thuế, thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện hoàn thuế cho Công ty, không xử lý bù trừ số thuế TNCN nộp thừa vào các kỳ nộp của năm sau. Hướng dẫn trên được quy định cụ thể tại Công văn số 4388/TCT-TNCN.
Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn hiện hành không có quy định về bù trừ lỗ của công ty mẹ với các khoản thu nhập sau thuế của các công ty con hạch toán độc lập. Theo đó, quan điểm hướng dẫn tại Công văn 4474/TCT-CS trong việc bù trừ lỗ của công ty mẹ với các khoản thu nhập sau thuế của công ty con hạch toán độc lập chuyển về là không được phép.
Cũng theo quan điểm tại Công văn này, việc lập báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ (xác định lợi nhuận hợp nhất thu nhập của công ty mẹ và công ty con) chỉ phục vụ cho mục đích quản trị doanh nghiệp.
Các chứng từ điện tử như hợp đồng quảng cáo, hóa đơn, bảng kê chi tiết giao dịch...được coi là các chứng từ hợp pháp đề làm cơ sở ghi nhận chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu các chứng từ này được thực hiện đúng theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử, các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử và các văn bản liên quan. Quan điểm này được đề cập rõ tại Công văn 4476/TCT-CS.
Theo Thông tư số 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26 tháng 12 năm 2008, hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau được coi là đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, quan điểm hướng dẫn tại Công văn 10760/CT-TT&HT đối với việc bán máy móc, nhà xưởng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai DNCX là các giao dịch này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Công văn cũng nêu rõ, khi lập hóa đơn cho các tài sản chuyển nhượng, bên bán phải lập hóa đơn riêng cho từng loại tài sản để bên mua có cơ sở hạch toán kế toán.
Trường hợp Công ty có chương trình gửi hàng mẫu cho khách hàng không thu tiền, nếu chương trình gửi hàng mẫu cho khách hàng:
Trong cả hai trường hợp nói trên, trên hóa đơn đều ghi rõ hàng mẫu không thu tiền. Quan điểm trên được hướng dẫn tại Công văn 10448/TCT-TT&HT.
Trong thời gian chờ sửa đổi bổ sung Thông tư số 60/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14 tháng 06 năm 2007 hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Quản lý thuế, Công văn 13983/BTC-TCT ban hành biểu mẫu kê khai thuế TNDN đối với trường hợp nhà thầu nước ngoài áp dụng nộp thuế theo phương pháp hỗn hợp.
Trong trường hợp trong một kỳ kê khai, nhà thầu nước ngoài có nhiều hoạt động với mức tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu khác nhau thì nhà thầu nước ngoài kê khai vào từng mẫu biểu trên từng tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tương ứng với từng hoạt động.
Doanh nghiệp vốn nước ngoài ở đây được hiểu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Theo Nghị định 107/2010/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng để trả công đối với lao động Việt Nam làm việc cho Doanh nghiệp vốn nước ngoài hoạt động trên địa bàn thuộc các vùng I, II, III và IV lần lượt là 1.550.000 đồng/tháng, 1.350.000 đồng/tháng, 1.170.000 đồng/ tháng và 1.100.000 đồng/tháng. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng I, II, III và IV được quy định tại Phụ lục I và II ban hành kèm theo Nghị định.
Nghị định này thay thế cho Nghị định 98/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30 tháng 10 năm 2009.
Doanh nghiệp trong nước ở đây được hiểu là công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.
Theo Nghị định 108/2010/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng để trả công đối với người lao động làm việc tại Doanh nghiệp trong nước trên địa bàn thuộc các vùng I, II, III và IV lần lượt là 1.350.000 đồng/tháng, 1.200.000 đồng/tháng, 1.050.000 đồng/tháng và 830.00 đồng/tháng. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng I, II, III và IV được quy định tại Phụ lục I và II ban hành kèm theo Nghị định.
Mức lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng tại các địa bàn quy định tại Phụ lục I kèm Nghị định từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 và tại các địa bàn quy định tại Phụ lục II kèm Nghị định từ ngày 01 tháng 07 năm 2011.
Nghị định này thay thế cho Nghị định 97/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30 tháng 10 năm 2009.
Theo hướng dẫn tại Công văn 3755/LĐTBXH-PC, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không vi phạm về lý do chấm dứt, nhưng vi phạm quy định về thời hạn báo trước (không báo trước hoặc báo trước nhưng thực hiện không đủ số ngày báo trước theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 37 Bộ Luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung) thì người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc, đồng thời phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) và một khoản tiền lương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Các Từ Viết Tắt:
TNDN | Thuế thu nhập doanh nghiệp | KCN | Khu công nghiệp |
---|---|---|---|
TNCN | Thuế thu nhập cá nhân | CTLD | Công ty liên doanh |
GTGT | Thuế giá trị gia tăng | TNHH | Trách nhiệm hữu hạn |
FCT | Thuế nhà thầu | BTC | Bộ Tài Chính |
TSCĐ | Tài sản cố định | BCT | Bộ Công Thương |
TCHQ | Tổng cục Hải Quan | BLĐTBXH | Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội |
TCT | Tổng Cục Thuế | BKHĐT | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
DNCX | Doanh nghiệp chế xuất | CV | Công văn |
KCX | Khu chế xuất | NHNN | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |