Ngày 28 Tháng 2 Năm 2011

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. CÁC QUY ĐỊNH KẾ TOÁN, THUẾ, ĐẦU TƯ NỔI BẬT NĂM 2010

1.
Nghị định 51/2010/NĐ-CP: Thay đổi trong việc phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn

Ngày 14 tháng 05 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nghị định này thay thế cho Nghị định 89/2002/NĐ-CP ban hành năm 2002. Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 doanh nghiệp sẽ phải tự in hóa đơn, không còn thực hiện mua hóa đơn từ cơ quan thuế như trước đây.

Sự kiện này được đánh giá là sẽ thay đổi toàn bộ nhận thức và thực hiện về hóa đơn chứng từ trên toàn quốc khi trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn, chịu trách nhiệm về hóa đơn phát hành, giải quyết tình trạng doanh nghiệp phải xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế.

Trong năm 2010 và đầu năm 2011, Bộ Tài chính và các Tổng cục Thuế cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện Nghị định 51/2010/ND-CP. Nghị định 51/2010/ND-CP đã được chúng tôi tóm tắt và trình bày trong các bản tin tháng 10 và tháng 11 năm 2010.

2.
Incoterms 2010: Các quy tắc thương mại quốc tế liên quan tới việc giao nhận hàng hóa

Incoterms (viết tắt của International Commerce Terms – Các điều khoản thương mại quốc tế) là bộ các quy tắc thương mại quốc tế quy định các điều khoản về giao nhận hàng hóa, trách nhiệm của các bên liên quan tới việc ai sẽ thanh toán tiền vận tải, ai sẽ đảm trách nhiệm về chi phí thủ tục hải quan, bảo hiểm hàng hóa, ai sẽ chịu trách nhiệm về những tổn thất, rủi ro của hàng hóa trong quá trình vần chuyển..., thời điểm chuyển giao rủi ro, trách nhiệm về hàng hóa.

Incoterm 2010 được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) xuất bản tháng 09 năm 2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 và thay thế cho Incoterms 2000. Theo đó, Incoterms 2010 bao gồm 11 điều kiện (so với 13 điều kiện quy định tại Incoterms 2000). Một số điểm thay đổi nổi bật tại Incoterms 2010 như:

  • Nếu như ở Incoterm 2000, với phương thức giao hàng FOB người bán chỉ chịu trách nhiệm tới “lan can tàu” (Ship Rail) thì ở Incoterm 2010, thuật ngữ này được thay thế bằng “ở trên tàu” (On Board The Vessel). Theo đó, người bán (seller) sẽ chuyển rủi ro của lô hàng mình bán thực sự cho người mua (buyer) khi hàng thực sự “ở trên tàu” chứ không phải “lan can tàu” như trước nữa;
  • Các điều kiện trong Incoterm 2000 như DAF, DES, DEQ và DDU được thay thế bằng các thuật ngữ như DAT (Delivered At Terminal), hàng đến đích đã dỡ xuống; DAP (Delivered At Place), hàng đến đích sẵn sàng để dỡ xuống. Trong đó các thuật ngữ như “Terminal” và “Place” được hiểu theo nghĩa rộng hơn là cầu cảng, cảng.
3.
Thông tư 66/2010/TT-BTC: Hướng dẫn mới về chống chuyển giá tại Việt Nam

Ngày 22 tháng 04 năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC thay thế cho thông tư 117/2005/TT-BTC ngày ban hành 19 tháng 12 năm 2005 (“Thông tư 117”).

Thông tư 66/2010/TT-BTC đưa ra các hướng dẫn liên quan tới việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Sự ra đời của Thông tư 66/2010/TT-BTC cùng với sự thay đổi của các luật thuế và những thay đổi rõ ràng trong quy trình quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế trong vài năm gần đây là dấu hiệu cho thấy, sau một thời gian gián đoạn, cơ quan quản lý thuế Việt Nam sẽ có những quan tâm mạnh mẽ hơn, sẽ có những động thái tích cực hơn đối với vấn đề chuyển giá. Điều này cũng phù hợp với sự gia tăng các hoạt động thanh, kiểm tra đối với vấn đề chuyển giá và những yêu cầu chính thức từ Tổng cục thuế gửi cho các cục thuế địa phương về việc tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên có kết quả kinh doanh bị lỗ do nghi ngờ có gian lận về thuế thông qua chuyển giá.

Theo yêu cầu của Thông tư 66/2010/TT-BTC, khi thực hiện quyết toán thuế TNDN, các doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai các giao dịch liên kết theo mẫu GCN-01/QLT quy định tại Phụ lục 1-GCN/CC ban hành kèm theo. Thời hạn nộp Phụ lục cùng với thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN.

Thông tư 66/2010-TT-BTC có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

4.
Thông tư 186/2010/TT-BTC: Hướng dẫn mới về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

Việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài (các tổ chức, cá nhân nước ngoài) sẽ được thực hiện theo hướng dẫn mới của Bộ Tài chính tại Thông tư số 186/2010/TT-BTC ban hành ngày 18 tháng 11 năm 2010 thay thế cho Thông tư số 124/2004/TT-BTC. Theo đó, Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển hàng năm số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam ra nước ngoài khi kết thúc năm tài chính, sau khi doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký, thay thế Thông tư số 124/2004/TT-BTC ngày 23 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài chính. Thông tư 186/2010/TT-BTC đã được chúng tôi tóm tắt và trình bày trong các bản tin tháng 12 năm 2010.

5.
Nghị định 43/2010/NĐ-CP: Quy định mới về thành lập doanh nghiệp

Ngày 15 tháng 04 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thay thế cho Nghị định số 88/2006/NĐ-CP. Theo đó, việc thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký qua mạng internet, truy cập thông tin về đăng ký doanh nghiệp và phục vụ cho việc cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp của cư quan đăng ký kinh doanh thông qua trang web "Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia". Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia có giá trị pháp lý như hồ sơ nộp bằng bản giấy.

Theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP, thay vì đăng ký kinh doanh (nay sẽ gọi là "đăng ký doanh nghiệp": gồm các nội dung về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế) và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như trước đây thì doanh nghiệp sẽ được cấp "Giấy đăng ký doanh nghiệp". Những doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi Nghị định này có hiệu lực sẽ không bị bắt buộc phải đổi thành "Giấy đăng ký doanh nghiệp". Việc đổi Giấy chỉ thực hiện khi làm thủ tục thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này cũng đồng thời là mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế của doanh nghiệp.

Việc đăng ký doanh nghiệp sẽ vẫn được thực hiện tại Sở Kế hoạch & Đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (đối với việc đăng ký của hộ gia đình) như trước đây.

Nghị định 43/2010/NĐ-CP cũng quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh và văn phòng đại diện. Về thời gian cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp, thay vì 10 ngày như trước sẽ rút xuống còn 5 ngày.

Nghị định 43/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 06 năm 2010.

2. ĐIỂM TIN CÁC HƯỚNG DẪN VỀ KẾ TOÁN, THUẾ VÀ ĐẦU TƯ

1.
Công văn số 4999/TCT-TNCN của Tổng Cục Thuế ngày 09 tháng 12 năm 2010 hướng dẫn về tài liệu chứng minh tình trạng cư trú của cá nhân người nước ngoài và quyết toán thuế TNCN của đối tượng cư trú là người nước ngoài

Theo hướng dẫn tại Công văn 4999/TCT-TNCN, để chứng minh được tình trạng cư trú của mình tại một nước khác, cá nhân là người nước ngoài phải sử dụng bản gốc giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp. Tài liệu này phải được dịch sang tiếng Việt và thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự theo hướng dẫn tại điểm 3 mục I Thông tư số 01/1999/TT-NG ngày 03/06/1999 của Bộ ngoại giao theo quy định thể lệ hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu.

Cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng cư trú tại Việt Nam khi kết thúc hợp đồng làm việc phải thực hiện quyết toán thuế TNCN. Nếu sau thời điểm về nước, vẫn trong năm tính thuế đó, cá nhân được tổ chức, cá nhân trả thu nhập tại Việt Nam trả thêm một số khoản thu nhập chịu thuế TNCN liên quan đến thời gian làm việc ở Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập tại Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ, kê khai và nộp thuế TNCN vào NSNN.

2.
Công văn số 5107/TCT-CS của Tổng Cục Thuế ngày 15 tháng 12 năm 2010 về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Theo Công văn 5107/TCT-CS của Tổng Cục thuế gửi Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh thì:

  • Trường hợp công ty phát sinh các khoản chi phí mua ngoài như lịch, sổ tay, tranh ảnh về Việt Nam, cà vạt, nón lá...để biếu tặng cho các tổ chức, cá nhân thì các khoản chi phí này không được xác định là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN của công ty;
  • Trường hợp công ty phát sinh chi phí in lịch làm quảng cáo hoạt động kinh doanh của công ty, nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN, theo mức khống chế quy định.
3.
Công văn số 5043/TCT-CS của Tổng Cục Thuế ngày 13 tháng 12 năm 2010 về xử lý mất hóa đơn do nguyên nhân khách quan

Trường hợp cơ sở kinh doanh bị mất hóa đơn do bị kẻ gian lấy cắp, lấy trộm khi mang về nhà, nếu sự việc mất hóa đơn của cơ sở kinh doanh có biên bản của cơ quan công an xác nhận bị mất cắp, mất trộm hóa đơn trong trường hợp khách quan thì không xử lý vi phạm hành chính do việc mất hóa đơn theo Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp đơn vị bị mất hóa đơn mà không có biên bản xác nhận của cơ quan công an là vi phạm trong trường hợp khách quan như nêu trên thì việc mất hóa đơn bị xử phạt theo quy định hiện hành.

4.
Công văn số 5206/TCT-CS của Tổng Cục Thuế ngày 22 tháng 12 năm 2010 về thuế nhà thầu với khoản thu nhập từ tiền phạt do vi phạm hợp đồng

Theo Công văn 5206/TCT-CS, trường hợp nhà thầu nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam từ việc nhận được khoản tiền phạt, tiền bồi dưỡng thu được từ bên đối tác vi phạm hợp đồng thì khoản thu nhập này thuộc đối tượng nộp thuế nhà thầu với tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh khác là 2%.

Các Từ Viết Tắt:

TNDN Thuế thu nhập doanh nghiệp KCN Khu công nghiệp
TNCN Thuế thu nhập cá nhân CTLD Công ty liên doanh
GTGT Thuế giá trị gia tăng TNHH Trách nhiệm hữu hạn
FCT Thuế nhà thầu BTC Bộ Tài Chính
TSCĐ Tài sản cố định BCT Bộ Công Thương
TCHQ Tổng cục Hải Quan BLĐTBXH Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
TCT Tổng Cục Thuế BKHĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư
DNCX Doanh nghiệp chế xuất CV Công văn
KCX Khu chế xuất NHNN Ngân hàng Nhà nước Việt Nam