Ngày 31 tháng 10 năm 2011

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

1.
Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Ngày 11/10/2011, Thủ tướng ban hành quyết định số 54/2011/QĐ-TTg về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số ngành nghề. Các nội dung chủ yếu như sau:

Đối tượng áp dụng
Các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có thu nhập từ hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử và từ hoạt động thi công, xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
  • Có tổng số lao động sử dụng thường xuyên bình quân năm 2011 trên 300 người, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng.

Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn

  • Số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn là số thuế phải nộp tạm tính hàng quý và số thuế còn phải nộp theo quyết toán thuế năm 2011.
  • Số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn không bao gồm số thuế từ thu nhập khác ngoài thu nhập từ các hoạt động nói trên.
  • Doanh nghiệp, phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động được gia hạn nộp thuế. Trường hợp không xác định được số thuế thu nhập doanh nghiệp của các hoạt động được gia hạn nộp thuế thì thu nhập để tính số thuế được gia hạn xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa doanh thu của hoạt động được gia hạn nộp thuế với tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Thời gian gia hạn nộp thuế

  • Thời gian gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính tạm nộp của quý I năm 2011 chậm nhất đến ngày 30 tháng 4 năm 2012.
  • Thời gian gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính tạm nộp của quý II năm 2011 chậm nhất đến ngày 31 tháng 7 năm 2012.
  • Thời gian gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính tạm nộp của quý III năm 2011 chậm nhất đến ngày 31 tháng 10 năm 2012.
  • Thời gian gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính tạm nộp của quý IV năm 2011 và số thuế phải nộp theo quyết toán năm 2011 không quá ngày 31 tháng 3 năm 2013.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 11 năm 2011.

2.
Ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh

Theo công văn số 13140/CT-TT&HT do Cục thuế Bình Dương ban hành ngày 21/09/2011, trường hợp khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh của Công ty có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh chính thì Công ty được tính vào chi phí hoặc thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Nếu Công ty đang trong thời gian được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản thu nhập do chênh lệch tỷ giá nói trên cũng được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

3.
Đơn vị tiền tệ hạch toán và xác định giá chuyển nhượng vốn

Theo công văn số 14805/CT-TT&HT do Cục thuế Bình Dương ban hành ngày 14/10/2011, trường hợp DN hạch toán kế toán bằng đồng ngoại tệ có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ. Trường hợp DN hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm chuyển nhượng.

2. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”)

1.
Khấu trừ thuế TNCN từ tháng 08 đến hết tháng 12 năm 2011

Theo công văn số 3637/TCT-TNCN ngày ngày 12 tháng 10 năm 2011 của Tổng cục thuế, từ tháng 8/2011 đến hết tháng 12/2011 chỉ đối với các cá nhân hưởng lương và cá nhân kinh doanh có mức thu nhập tính thuế đến bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần được tạm chưa phải khấu trừ thuế TNCN;

Đối với các cá nhân hưởng lương và cá nhân kinh doanh có mức thu nhập tính thuế từ bậc 2 trở lên thực hiện khấu trừ, nộp thuế TNCN theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần và không được miễn thuế đối với thu nhập tính thuế bậc 1.

3. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”)

1.
Kê khai, nộp thuế đối với chi nhánh phụ thuộc

Theo công văn số 21759/CT-HTr do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành ngày 01/09/2011, trường hợp công ty có chi nhánh phụ thuộc kinh doanh ở địa phương khác với nơi công ty đặt trụ sở chính thì chi nhánh phụ thuộc này phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, chi nhánh đó không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp có trách nhiệm khai tập trung số thuế thu nhập doanh nghiệp tại trụ sở chính và cả phần phát sinh tại chi nhánh.

2.
Truy thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu chuyển sang tiêu thụ nội địa

Theo hướng dẫn tại công văn số 4919/TCHQ-TXNK ngày 06 tháng 10 năm 2011, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, khi tiêu thụ nội địa phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan hải quan, xác định lại trị giá tính thuế; Thời điểm xác định trị giá hải quan là ngày đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. HÓA ĐƠN

1.
Quy định về thông báo việc mất hóa đơn

Theo công văn số 22227/CT-HTr do Cục thuế Hà Nội ban hành ngày 09/09/2011, trường hợp người bán làm mất liên 2 (liên giao cho khách hảng) hóa đơn bản gốc đã lập thì doanh nghiệp cần phải thông báo tới cơ quan quản lý thuế trực tiếp trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra sự việc mất hóa đơn. Ngoài ra, căn cứ vào quy định tại Nghị định 51/2010/ND-CP về hóa đơn, doanh nghiệp làm mất hóa đơn nhưng không báo cáo việc mất hóa đơn nói trên với cơ quan thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

2.
Sử dụng hoá đơn GTGT cho hoạt động xuất khẩu.

Theo hướng dẫn tại công văn 13518/BTC-TCT ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tài Chính về việc sử dụng hoá đơn GTGT cho hoạt động xuất khẩu, thì trong tình hình chung các công ty in đủ điều kiện in hoá đơn chưa đáp ứng kịp nhu cầu, một số doanh nghiệp chưa kịp in hoá đơn xuất khẩu cho hoạt động xuất khẩu, vì vậy để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh, Bộ Tài chính hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu đã dùng hoá đơn GTGT khi xuất khẩu từ 31/08/2011 về trước thì vẫn được chấp nhận.

5. LAO ĐỘNG

1.

Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng và quy định về đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc đối với các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 05 tháng 10 năm 2011, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành công văn số 3039/BHXH-THU gửi cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng và quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nội dung chính của công văn như sau:

  1. Mức lương tối thiểu dùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:
    • Mức 2.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
    • Mức 1.780.000 đồng/tháng áp dụng đối với đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ
  2. Người lao động ký hợp đồng lao động tại trụ sở chính đóng tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng làm việc ở các vùng khác thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa điểm làm việc ghi trong hợp đồng lao động.
  3. Trường hợp thời gian thử việc được doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận theo một hợp đồng thử việc riêng biệt, không ghi chung trong hợp đồng lao động thì doanh nghiệp và người lao động không cần đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc.
    • Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó có thời hạn từ 3 tháng trở lên, hoặc không xác định thời hạn, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc.
    • Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
2.
Xử phạt vi phạm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động

Theo Nghị định 92/2011/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17/10/2011, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm y tế cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế sẽ bị phạt tiền theo các mức sau:

  • Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, khi vi phạm từ 01 đến 10 người lao động;
  • Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm từ 11 đến 50 người lao động;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, khi vi phạm từ 51 đến 100 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, khi vi phạm từ 101 đến 500 người lao động;
  • Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, khi vi phạm từ 501 đến 1.000 người lao động;
  • Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, khi vi phạm từ 1.001 người lao động trở lên.

6. KẾ TOÁN

1.
Quy định về sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ kế toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngày 4 tháng 10 năm 2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 138/2011/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán Doanh nghiệp vừa và nhỏ ban hành kèm Quyết định 48/2006/QD-BTC ngày 14/09/2006.

Theo đó, các nội dung liên quan đến việc sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ kế toán cùa doanh nghiệp Nhỏ và vừa có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi là “doanh nghiệp”) được quy định như sau:

  1. Khi lựa chọn ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
    • Đơn vị tiền tệ đó phải được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hoá, dịch vụ và thường là đơn vị tiền tệ được sử dụng trong việc quyết định giá bán hàng;
    • Đơn vị tiền tệ đó phải được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp và thường là đơn vị tiền tệ được sử dụng chủ yếu trong việc tính toán doanh thu, chi phí nhân công, thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ.

    Doanh nghiệp chỉ được lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán giống với đơn vị tiền tệ trong kế toán của công ty mẹ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

    • Doanh nghiệp được thành lập với mục đích chủ yếu là sản xuất và gia công sản phẩm cho công ty mẹ, phần lớn nguyên liệu được mua từ công ty mẹ và sản phẩm được xuất khẩu và tiêu thụ bởi công ty mẹ;
    • Tỷ trọng các hoạt động của doanh nghiệp với công ty mẹ hoặc tỷ trọng các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp bằng đơn vị tiền tệ trong kế toán của công ty mẹ là đáng kể (trên 70%).
  2. Khi lựa chọn ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
  3. Các doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán thì đồng thời với việc lập Báo cáo tài chính theo ngoại tệ còn phải quy đổi báo cáo tài chính sang Việt Nam Đồng khi nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại ngày kết thúc kỳ kế toán.

    Báo cáo tài chính lập theo đơn vị tiền tệ trong kế toán là ngoại tệ khi quy đổi ra Việt Nam đồng không bắt buộc phải kiểm toán mà chỉ cần có ý kiến xác nhận của kiểm toán về tỷ giá quy đổi và tính chính xác của việc quy đổi.

  4. Doanh nghiệp chỉ được thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán tại thời điểm bắt đầu niên độ kế toán mới và phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2012.

Các Từ Viết Tắt:

TNDN Thuế thu nhập doanh nghiệp KCN Khu công nghiệp
TNCN Thuế thu nhập cá nhân CTLD Công ty liên doanh
GTGT Thuế giá trị gia tăng TNHH Trách nhiệm hữu hạn
FCT Thuế nhà thầu BTC Bộ Tài Chính
TSCĐ Tài sản cố định BCT Bộ Công Thương
TCHQ Tổng cục Hải Quan BLĐTBXH Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
TCT Tổng Cục Thuế BKHĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư
DNCX Doanh nghiệp chế xuất CV Công văn
KCX Khu chế xuất NHNN Ngân hàng Nhà nước Việt Nam