THÁNG 07 NĂM 2012

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

1.
Giảm 30% số thuế TNDN năm 2012 đối với doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 29/2012/QH13.
  • Theo nghị định số 60/2012/NĐ-CP ngày 30/07/2012 của Chính Phủ, các doanh nghiệp sau được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2012:
    • Doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
    • Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
  • Số thuế TNDN được giảm của doanh nghiệp nói trên là số thuế tính tạm nộp hàng quý và số thuế còn phải nộp theo quyết toán thuế năm 2012.

  • Doanh nghiệp được giảm thuế TNDN nói trên phải là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và nộp thuế theo kê khai.
2.
Ghi nhận chi phí hợp lý đối với chi phí lãi vay

Theo công văn số 2532/TCT-CS do Tổng Cục thuế ban hành ngày 17/7/2012, căn cứ theo quy định tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, phần chi phí lãi vay sau không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:

  • Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
  • Phần chi trả lãi tiền vay để góp vốn điều lệ hoặc chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh

2. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”)

1.
Miễn thuế TNCN 6 tháng cuối năm 2012 đối với cá nhân có mức thu nhập tính thuế ở bậc 1

Theo công văn số 8465/BTC-CST ngày 22/06/2012 của Bộ Tài Chính, căn cứ Nghị quyết số 29/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 21 tháng 6 năm 2012, cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần được quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân được miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 01 tháng 7 năm 2012 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012. Theo hướng dẫn từ công văn này của Bộ tài chính, từ 01/7/2012 đến 31/12/2012 doanh nghiệp tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chưa thu thuế TNCN đối với cá nhân.

2.
Việc hoàn thuế TNCN chỉ áp dụng đối với cá nhân đã có mã số thuế.

Tại Điều 46, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn: “Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã có mã số thuế”.

Theo công văn 2573/TCT-TNCN do TCT ban hành ngày 19/07/2012, trường hợp trong năm 2012 cá nhân mới đăng ký và có mã số thuế TNCN để kê khai trong hồ sơ đề nghị hoàn thuế TNCN năm 2011 thì hồ sơ đề nghị hoàn thuế TNCN năm 2011 được xem xét hoàn thuế.

3. THUẾ NHÀ THẦU (“FCT”)

1.
Thuế nhà thầu đối với lãi vay.

Theo công văn số 4390/CT-TTHT do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 13/06/2012, căn cứ vào quy định tại Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/04/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế nhà thầu, trường hợp công ty có phát sinh vay vốn của công ty mẹ là tổ chức nước ngoài không có cơ cở thường trú tại Việt Nam để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì khi thanh toán tiền công ty phải khấu trừ và nộp thay thuế cho Công ty mẹ, cụ thể như sau:

  • Về thuế GTGT:
    Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu chịu thuế GTGT x Tỷ lệ (%) GTGT (50%) x Thuế suất thuế GTGT (10%).
  • Về thuế TNDN:
    Số thuế TNDN phải nộp = Doanh thu chịu thuế TNDN x Tỷ lệ (%) thuế TNDN (5%)
2.
Chính sách thuế đối với nhà thầu nước ngoài thực hiện kinh doanh tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ.

Theo công văn số 7701/CT-TT&HT ngày 31/07/2012 của Cục Thuế Bình Dương, trong trường hợp công ty ký hợp đồng mua bán với tổ chức nước ngoài theo điều kiện giao hàng là DDP, DAT, DAP hoặc Công ty mua vật liệu của tổ chức nước ngoài và tổ chức nước ngoài chỉ định doanh nghiệp khác ở Việt Nam giao hàng cho Công ty theo hợp đồng mua bán dưới hình thức xuất khẩu tại chỗ, thì tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế TNDN đối với hoạt động thương mại theo quy định tại thông tư 134/2008/TT-BTC.

4. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”)

1.
Thuế GTGT khi bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất.

Theo công văn số 6325/CT-TT&HT do Cục thuế Bình Dương ban hành ngày 27/06/2012, trường hợp công ty bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được xem là hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Vì vậy, theo quy định tại Thông tư 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính có quy định, đế áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với hàng xuất khẩu thì cần các giấy tờ sau:

  • Có hợp đồng bán hàng hóa xuất khẩu
  • Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng
  • Có tờ khai hải quan
2.
Chứng từ trong trường hợp bồi thường cho người mua

Theo công văn số 7043/CT-TT&HT do Cục thuế Bình Dương ban hành ngày 17/07/2012, căn cứ theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính, trường hợp doanh nghiệp phải bồi thường cho khách hàng bằng hàng hóa theo quy định tại hợp đồng, thì cần phải lập hóa đơn và tính thuế giá trị gia tăng như đối với trường hợp bán hàng hóa bình thường. Doanh nghiệp nhận bồi thường thực hiện kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng như quy định.

Nếu doanh nghiệp bồi thường bằng tiền thì doanh nghiệp lập chứng từ chi tiền kèm chứng từ thu tiền của người mua để làm căn cứ hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và là cơ sở để khách hàng hạch toán vào thu nhập khác khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

5. CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

1.
Ghi nhận chi phí thuê đất

Theo công văn số 6870/CT-TT&HT do cục thuế Bình Dương ban hành ngày 10/07/2012, căn cứ theo quy định tại Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày20/10/2009 của Bộ Tài Chính, trường hợp doanh nghiệp thuê đất thì tiền thuê đất được tính vào chi phí kinh doanh, không ghi nhận là tài sản cố định vô hình. Cụ thể như sau:

  • Nếu doanh nghiệp thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê thì được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh theo số năm thuê đất.
  • Nếu doanh nghiệp thuê đất trả tiền thuê hàng năm thì hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ tương ứng số tiền thuê đất trả hàng năm.
2.
Lưu hồ sơ liên quan đến tài sản cố định

Theo công văn số 7115/CT-TT&HT do Cục thuế Bình Dương ban hành ngày 18/07/2012, căn cứ vào quy định tại Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, mọi tài sản cố định trong doanh nghiệp phải có bộ hồ sơ riêng, bao gồm các giấy tờ sau:

  • Biên bản giao nhận tài sản cố định
  • Hợp đồng mua bán tài sản cố định
  • Hóa đơn mua tài sản cố định

Ngoài ra, tài sản cố định phải được phân loại, thống kê, đánh số thứ tự và được quản lý theo sổ theo dõi tài sản cố định.

Các Từ Viết Tắt:

TNDN Thuế thu nhập doanh nghiệp KCN Khu công nghiệp
TNCN Thuế thu nhập cá nhân CTLD Công ty liên doanh
GTGT Thuế giá trị gia tăng TNHH Trách nhiệm hữu hạn
FCT Thuế nhà thầu BTC Bộ Tài Chính
TSCĐ Tài sản cố định BCT Bộ Công Thương
TCHQ Tổng cục Hải Quan BLĐTBXH Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
TCT Tổng Cục Thuế BKHĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư
DNCX Doanh nghiệp chế xuất CV Công văn
KCX Khu chế xuất NHNN Ngân hàng Nhà nước Việt Nam