THÁNG 11 NĂM 2012

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

1.
Chi phí bảo hiểm sức khỏe không được trừ

Theo Công văn số 8101/CT-TTHT của Tổng cục thuế ngày 22 tháng 10 năm 2012, các khoản tiền thưởng, tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao đông tập thể; Quy chế tài chính, Quy chế thưởng thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, khoản chi phí mua bảo hiểm sức khỏe (không phải bảo hiểm nhân thọ) cho người lao động không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

2.
Chính sách thuế theo Nghị Quyết 08/2011/QH13

Theo công văn số 3963/TCT-CS do Tổng Cục Thuế ban hành ngày 09/11/2012. Trường hợp Công ty có hoạt động kinh doanh chính nếu đáp ứng đủ điều kiện doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 2011 có phát sinh khoản lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính và lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính thì khoản thu nhập này thuộc đối tượng được giảm 30% thuế TNDN năm 2011 theo quy định tại thông tư số 154/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài Chính. Đối với thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay phát sinh là khoản thu nhập kinh doanh tài chính và không thuộc đối tượng được giảm 30% thuế TNDN năm 2011 theo quy định tại Thông tư số 154/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài Chính.

3.
Tóm tắt nội dung Thông tư 180/2012/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp

Ngày 24/10/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 180/2012/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Theo đó, Thông tư 180 bãi bỏ quy định về việc trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm nêu trong Thông tư 82/2003/TT-BTC ngày 14/08/2003 (mức trích từ 1% đến 3% trên quỹ lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp). Như vậy có thể hiểu rằng doanh nghiệp không được phép trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm và đưa vào chi phí kể từ khi Thông tư 180/2012TT-BTC có hiệu lực (10/12/2012)

Về việc xử lý số dư quỹ trợ cấp mất việc làm đã trích từ trước hết 31/12/2012: Tính đến hết 31/12/2012 nếu số dư quỹ vẫn còn thì số dư của quỹ này sẽ tính vào thu nhập khác; không được chuyển sang năm sau. Nếu trong năm 2012 công ty đã dùng hết quỹ thì công ty được phép chi thêm và được tính vào chi phí hợp lý.

Mặc dù có những quy định tại thông tư này, về mặt kế toán thì công ty vẫn phải trích trước khoản trợ cấp mất việc làm này (là một khoản phải trả cho người lao động). Tuy nhiên, khi tính thuế TNDN, các khoản trích trước này sẽ bị loại ra khỏi các khoản chi phí được trừ.

2. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”)

1.
Xác định số thuế GTGT của hàng xuất khẩu được hoàn theo tháng

Theo Công văn số 14320/BTC-TCT của Bộ tài chínnh ngày 19 tháng 10 năm 2012, cơ sở kinh doanh trong tháng có hàng hóa dịch vụ xuất khẩu nếu thuế GTGT đầu vào của hàng hóa xuất khẩu phát sinh trong tháng chưa được khấu trừ từ 200 triệu đồng trở lên thì được xét hoàn thuế theo tháng. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh trong tháng vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ trong nước, có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong tháng chưa được khấu trừ từ 200 triệu đồng trở lên, và không hạch toán riêng được số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hoàn theo tháng được xác định theo cách như sau:

  • Số thuế GTGT đầu vào của hàng xuất khẩu = Thuế GTGT chưa khấu trừ hết của tháng * tỷ lệ % của doanh thu xuất khẩu ÷ Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
  • Số thuế GTGT chưa khấu trừ hết của tháng = Thuế GTGT đầu ra của hàng hóa, dịch vụ bán trong nước – Tổng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phát sinh trong tháng.
  • Tổng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phát sinh trong tháng = thuế GTGT đầu vào cho hoạt động xuất khẩu + thuế GTGT đầu vào hoạt động kinh doanh trong nước chịu thuế + thuế GTGT chưa khấu trừ hết từ tháng trước chuyển sang.

Theo cách tính như trên, nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ nhỏ hơn 200 triệu đồng thì cơ sở kinh doanh không được xét hoàn thuế theo tháng, nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 200 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT theo tháng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

2.
Khấu trừ, hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu

Theo công văn số 3909/TCT-KK của Tổng cục thuế ngày 07/11/2012, điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa xuất khẩu gồm:

  • Hợp đồng xuất khẩu
  • Tờ khai hải quan hàng xuất khẩu
  • Chứng từ thanh toán qua ngân hàng
  • Hóa đơn GTGT bán hàng hóa hoặc hóa đơn xuất khẩu.

Tuy nhiên theo công văn số 13518/BTC-TCT ngày 10/10/2011 của Bộ Tài chính và công văn số 18036/BTC-TCT ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính, từ 1/1/2011 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, phải sử dụng hóa đơn xuất khẩu. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp xuất khẩu được phép tiếp tục sử dụng hóa đơn GTGT còn tồn khi xuất khẩu đến thời điểm 31/12/2011. Theo đó, từ 1/1/2012, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dịch vụ phải sử dụng hóa đơn xuất khẩu. Trường hợp công ty có hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong quý II/2012 (sau ngày 31/12/2012), công ty có đầy đủ hợp đồng xuất khẩu, tờ khai hải quan, chứng từ thanh toán qua ngân hàng nhưng sử dụng hóa đơn GTGT cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa thì công ty không được kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT tương ứng với hàng hóa xuất khẩu ghi trên hóa đơn GTGT đã nêu.

3. THUẾ NHÀ THẦU

1.
Kê khai thuế nhà thầu

Theo Công văn số 11465/CT-TT&HT của Tổng Cục Thuế ngày 12/11/2012, trường hợp nhà thầu nước ngoài cung cấp dịch vụ môi giới vay vốn, mua nguyên liệu, dịch vụ lắp đặt máy móc cho Công ty tại Việt Nam, thì số thuế TNDN nộp thay cho bên nước ngoài được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN khi và chỉ khi trong hợp đồng này giữa Công ty và nhà thầu nước ngoài có thỏa thuận doanh thu nhà thầu nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN phải nộp (Hợp đồng NET).

2.
Chính sách thuế đối với nhà thầu nước ngoài

Theo công văn số 3929/TCT-CS của Tổng Cục Thuế ban hành ngày 08/11/2012, trường hợp Bên Việt Nam ký hợp đồng vay vốn với Nhà thầu nước ngoài, có phát sinh khoản lãi vay phải trả cho nhà thầu nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC và Thông tư số 60/2012/TT-BTC nêu trên thì việc xác định nghĩa vụ thuế TNDN đối với lãi tiền vay của nhà thầu nước ngoài thực hiện như sau:

  • Lãi tiền vay phải trả phát sinh trước ngày 1/3/2012 theo quy định của Hợp đồng vay: tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu tính thuế là 10% (dù thời điểm thanh toán sau ngày 1/3/2012) theo quy định tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC.
  • Lãi tiền vay phát sinh kể từ ngày 1/3/2012 theo quy định của Hợp đồng vay: tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu tính thuế là 5% theo hướng dẫn tại Thông tư số 60/2012/TT-BTC.
3.
Thuế nhà thầu đối với thu nhập từ tiền bản quyền phần mềm

Theo Công văn số 8263/CT-TTHT của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 10 năm 2012, thu nhập từ tiền bản quyền của Nhà thầu nước ngoài phát sinh tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế nhà thầu. Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ). Trường hợp Công ty Việt Nam ký hợp đồng với Công ty ở nước ngoài để mua sản phẩm phần mềm thì thu nhập của Công ty nước ngoài phát sinh từ hợp đồng này là thu nhập từ tiền bản quyền phần mềm thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu. Khi thanh toán tiền cho Công ty nước ngoài, Công ty Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu để nộp vào ngân sách nhà nước như sau:

  • Thuế GTGT: Bản quyền phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT do đó Công ty không phải khấu trừ.
  • Thuế TNDN phải nộp bằng (=) doanh thu tính thuế TNDN nhân (x) tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với thu nhập bản quyền (10%).

4. VẤN ĐỀ KHÁC

1.
Sử dụng hóa đơn bán hàng vào khu phi thuế quan

Theo công văn số 3846/TCT-CS của Tổng Cục Thuế ban hành ngày 02/11/2012, trường hợp doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, các nhân trong khu phi thuế quan thì được sử dụng hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn xuất khẩu cho hoạt động bán hàng vào khu phi thuế quan. Doanh nghiệp phải sử dụng thống nhất một loại hóa đơn cho hoạt động bán hàng vào khu phí thuế quan, không đồng thời sử dụng cả hóa đơn xuất khẩu và hóa đơn GTGT

2.
Tóm tắt nội dung Thông tư 179/2012/TT-BTC quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp

Ngày 24/10/2012, Bộ Tài chính ban hành thông tư số 179/2012/TT-BTC hướng dẫn về việc xử lý chênh lệch tỷ giá. Theo hướng dẫn tại điều 3 của thông tư này thì tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra "Đồng" Việt Nam được thực hiện như sau:

  • Đối với việc thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh trong năm tài chính thì thực hiện theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch ngoại tệ của Ngân hàng Thương mại nơi doanh nghiệp có giao dịch phát sinh theo quy định của pháp luật.
  • Đối với việc đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán thì thực hiện theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2012, áp dụng từ năm tài chính 2012 và thay thế Thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp.