NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 2013

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THÔNG TƯ 45/2013/TT-BTC HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ TRÍCH KHẤU HAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

Bộ tài chính đã ban hành thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

Theo hướng dẫn của thông tư này thì nguyên giá tài sản cố định phải có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên (trước kia là 10 triệu).

Đối với các tài sản cố định doanh nghiệp đang theo dõi, quản lý và trích khấu hao theo Thông tư số 203/2009/TT-BTC nay không đủ tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này thì giá trị còn lại của các tài sản này được phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian phân bổ không quá 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành của Thông tư này.

Ngoài ra Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/06/2013 và áp dụng từ năm tài chính năm 2013, thay thế cho thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009.

2. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

1.
Ghi nhận thu nhập khác khi thu tiền từ bán hàng phế liệu

Theo Công văn số 3758/CT-TT&HTN do Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành ngày 5/4/2013, trường hợp Công ty không phải là doanh nghiệp chế xuất nhưng xuất khẩu 100% sản phẩm, trong quá trình sản xuất có phát sinh phế liệu thì khi bán phế liệu Công ty lập hoá đơn GTGT cho khách hàng đồng thời Công ty hạch toán tăng thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

2.
Mua vật dụng phục vụ cho nhu cầu của nhân viên

Theo Công văn số 3410/CT-TT&HTN do Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành ngày 1/4/2013, trường hợp Công ty mua vật dụng trang bị tại khu vực chung phục vụ cho nhu cầu của nhân viên như tủ lạnh, lò vi sóng ... sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 và điểm 2.2a khoản 2 điều 6 Thông tư 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính

3.
Hạch toán chi phí trợ cấp, bồi thường tai nạn lao động
  • Theo công văn số 3566/CT-TT&HT ngày 11/04/2013 của cục Thuế Bình Dương, nghĩa vụ chi trả trợ cấp, bồi thường tai nạn lao động được thực hiện như sau:

    Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp tai nạn lao động và bồi thường (nếu do lỗi của người sử dụng lao động) cho người lao động. Mức trợ cấp, bồi thường tăng dần lên theo mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động.

  • Để hạch toán chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, doanh nghiệp cần thu thập đầy đủ những chứng từ hợp pháp như sau:

    1. Biên bản điều tra tai nạn lao động
      (PL 3, 4 Thông tư 10/2003/TT-BLDTBXH ngày 18/4/2003).
    2. Biên bản giám định
      (xác định mức độ suy giảm khả năng lao động) của Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền
    3. Quyết định bồi thường, trợ cấp
      (PL 5 Thông tư 10/2003/TT-BLDTBXH ngày 18/4/2003)

    Ngoài ra, nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động theo quy định.

3. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“VAT”)

1.
Chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán

Theo Công văn 356/CT-TTHT ngày 14/3/2013 của Cục thuế tỉnh Long An, căn cứ vào Chuẩn mực số 14 (Doanh thu và thu nhập khác) Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính), chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán được quy định như sau:

  • Chiết khấu thương mại là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn. Chiết khấu thương mại được tính điều chỉnh trên hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình chiết khấu hàng bán thì được lập hoá đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hoá đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Số tiền chiết khấu được lập trên hóa đơn điều chỉnh được ghi nhận vào tài khoản Chiết khấu thương mại.
  • Chiết khấu thanh toán là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng. Trong trường hợp này, công ty phải lập chứng từ chi tiền. Công ty chỉ được tính vào chi phí được trừ không vượt quá 10% (đối với doanh nghiệp thành lập mới là 15%) tổng số chi được trừ, bao gồm: chi quảng cáo, tiếp thị̣, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2.
Hóa đơn, chứng từ đối với khoản thu về bồi thường

Ngày 13/3/2013 Cục thuế Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Công văn số 1764/CT-TTHH hướng dẫn về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với khoản thu về bồi thường như sau:
Đối với khoản tiền bồi thường theo thỏa thuận, thì khoản tiền bồi thường này không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Khi nhận tiền bồi thường Công ty lập phiếu thu giao cho khách hàng và không phải lập hoá đơn GTGT.

4. VẤN ĐỀ KHÁC

1.
Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông

Theo công văn số 1058/TCT-CS do Tổng cục thuế ban hành ngày ngày 26 tháng 03 năm 2012, căn cứ theo Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 của Chính phủ và Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính, trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu túi ni lông xuất bán ra trên lãnh thổ Việt Nam hoặc mua túi ni lông để xuất khẩu thì thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất sau đó xuất khẩu ra nước ngoài do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu thì không thuộc đối tượng phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Túi ni lông được sản xuất tại Việt Nam bán cho các đơn vị khác dùng làm bao bì xuất khẩu hàng hóa không thuộc diện miễn thuế bảo vệ môi trường.

2.
Mẫu giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước mới theo Thông tư 08/2013/TT-BTC

Kể từ ngày 01/03/2013, mẫu giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước cũ (ban hành theo thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/06/2011) đã được thay thế bằng mẫu mới (ban hành kèm theo thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013).

Hiện tại, các ngân hàng đã thực hiện áp dụng mẫu Giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước mới này cho các giao dịch chuyển tiền vào ngân sách Nhà Nước.