NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 2013

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. NHỮNG THAY ĐỔI VỀ HÌNH THỨC KÊ KHAI THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”) VÀ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”) TỪ NGÀY 1/7/2013

1.
Thay đổi hình thức kê khai thuế GTGT

Ngày 28/6/2013, Bộ tài chính đã ban hành Công văn số 8355/BTC-TCT hướng dẫn về việc triển khai thực hiện một số quy định có hiệu lực từ 01/7/2013 tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc khai thuế GTGT theo quý.

  1. Đối tượng khai thuế GTGT theo quý:

    Khai thuế theo quý áp dụng đối với người nộp thuế giá trị gia tăng có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 20 tỷ đồng trở xuống. Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, việc khai thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo tháng. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay theo quý. Người nộp thuế có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo tháng hay kê khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định.
    Trường hợp người nộp thuế đủ điều kiện khai thuế GTGT theo quý thì không phải kê khai thuế GTGT tháng 7/2013 mà thực hiện kê khai quý III/2013 (thuế GTGT phải nộp ngân sách tháng 7, tháng 8, tháng 9/2013) chậm nhất là ngày 30/10/2013. Trường hợp không đủ điều kiện khai theo quý thì thực hiện khai thuế GTGT tháng 7/2013 chậm nhất là ngày 20/8/2013 theo quy định hiện hành. Trường hợp người nộp thuế đủ điều kiện và thuộc diện khai thuế GTGT theo quý muốn chuyển sang khai thuế theo tháng thì gửi thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là cùng với thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT của tháng 7/2013 (20/8/2013).

  2. Thời kỳ khai thuế theo quý:
    Việc thực hiện khai thuế theo quý hay theo tháng được ổn định trọn năm dương lịch và ổn định theo chu kỳ 3 năm. Riêng chu kỳ ổn định đầu tiên được xác định tính kể từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 31/12/2016.
  3. Cách xác định doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ năm trước liền kề làm điều kiện xác định đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý: Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là Tổng doanh thu trên các Tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch (bao gồm cả doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng và doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng).
2.
Thay đổi hình thức kê khai thuế TNCN

Kể từ ngày 01/07/2013 sẽ có một số thay đổi trong hình thức kê khai và nộp thuế TNCN.
Đối tượng sẽ áp dụng hình thức kê khai theo quý (thay vì kê khai thuế TNCN theo tháng) gồm:

  1. Cá nhân thuộc diện kê khai trực tiếp với cơ quan thuế thì kê khai theo quý.
  2. Tổ chức có phát sinh khấu trừ thuế TNCN trên tờ khai hàng tháng không vượt quá 50.000.000 VND.
    Thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế theo hình thức kê khai thuế theo quý là ngày 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Thông tin chi tiết mọi người vui lòng tham khảo nghị định số 83/2013/ND-CP và công văn số 8335/BTC-TCT.

2. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”)

1.
Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN

Ngày 27/6/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

  1. Tăng thời hạn thuê nhà khi xác định đối tượng cư trú
    Cá nhân cư trú (đối tượng chịu thuế TNCN) là người thuộc một trong các điều kiện sau:

    • Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam
    • Có nhà thuê để ở tại Việt Nam với thời hạn của hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên (trong luật cũ là 90 ngày trở lên) trong năm tính thuế.

    Trường hợp cá nhân có hợp đồng thuê nhà từ 183 ngày trở lên nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam.

  2. Học phí mầm non được miễn tính thuế TNCN
    Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.Điều cần lưu ý là học phí cho con người nước ngoài, phải có Hóa đơn mang tên Công ty mới được miễn thuế TNCN, kể cả trường hợp do Công ty mẹ ở nước ngoài chi trả hộ.Trường hợp tính vào lương và do người nước ngoài tự trả sẽ không được miễn tính thuế TNCN
  3. Trợ cấp chuyển vùng được miễn tính thuế TNCN lần đầu
    Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không thuộc vào thu nhập chịu thuế TNCN.
  4. Một số loại phụ cấp, trợ cấp được bổ sung vào diện miễn thuế TNCN
    Nghị định 65/2013/NĐ-CP bổ sung thêm các phụ cấp, trợ cấp sau đây không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN

    • Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
    • Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội
    • Phụ cấp đặc thù ngành nghề

    Tuy nhiên, mỗi loại phụ cấp trên đây sẽ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan quy định mức trần tối đa được miễn.

  5. Tăng mức giảm trừ gia cảnh

    • Tăng mức giảm trừ bản thân từ 4 triệu lên 9 triệu đồng/tháng (tương đương 108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ người phụ thuộc cũng được tăng từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu/người/tháng.
    • Mức thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập để làm căn cứ xác định người phụ thuộc được điều chỉnh từ 500.000 đ/tháng lên 1.000.000 đ/tháng

Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 14 Nghị định 65/2013/NĐ-CP vẫn giữ nguyên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013.

2.
Khấu trừ thuế TNCN đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc HĐLĐ dưới 3 tháng

Ngày 08/7/2013, Bộ Tài chính có công văn số 8817/BTC-TCT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013, trong đó đáng chú ý là hướng dẫn khấu trừ thuế đối với cá nhân không ký HĐLĐ hoặc HĐLĐ dưới 3 tháng như sau:

  • Áp dụng mức khấu trừ thống nhất là 10% cho cả 2 đối tượng trên, không phân biệt có mã số thuế hay chưa có mã số thuế
  • Thu nhập phải khấu trừ thuế: từ 2 triệu đồng/lần trả thu nhập, (trước đây là 1 triệu đồng, theo quy định tại Thông tư 113/2011/TT-BTC).
3.
Cấp mã số thuế cho người phụ thuộc
  • Đối với người phụ thuộc phát sinh từ ngày 01/7/2013, người nộp thuế phải khai đầy đủ thông tin theo mẫu 16/ĐK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư thay thế Thông tư số 28/2011/TT-BTC. Trên cơ sở thông tin trên mẫu 16/ĐK-TNCN, cơ quan thuế thực hiện cấp MST cho người phụ thuộc và thông báo cho người nộp thuế biết. (Hiện vẫn chưa có văn bản chính thức sửa đổi bổ sung cho thông tư 28/2011/TT-BTC. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật văn bản này trong các bản tin tiếp theo)
  • Đối với người phụ thuộc phát sinh trước ngày 01/07/2013 thì tạm thời được tiếp tục tính giảm trừ gia cảnh. Cơ quan thuế sẽ cấp MST cho đối tượng này vào thời điểm quyết toán 2013.

3. VẤN ĐỀ KHÁC

1.
Trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn

Ngày 28/6/2013, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư 89/2013/TT-BTC, sửa đổi bổ sung khoản 2 điều 5 Thông tư số 228/2009/TT-BTC liên quan đến trích lập và sử dụng các khoản dự phòng tại doanh nghiệp. Theo đó, các khoản vốn doanh nghiệp đang đầu tư vào tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật như công ty TNHH, công ty liên doanh… và các khoản đầu tư dài hạn khác phải trích lập dự phòng nếu tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư bị lỗ.

Cụ thể, doanh nghiệp chỉ thực hiện trích lập dự phòng khi tổng số vốn đầu tư thực tế của chủ sở hữu cao hơn tổng giá trị vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế được đầu tư (trừ trường hợp lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư).
Mức trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư được tính bằng công thức sau:
Mức trích lập dự phòng cho mỗi khoản đầu tư tài chính = (Tổng số vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế - vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế) x (số vốn đầu tư của mỗi bên/tổng số vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế).
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2013.

2.
Nộp dần tiền thuế nợ

Ngày 22/7/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về điều kiện nộp dần tiền nợ thuế.
Theo đó, người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế mà không có khả năng nộp đủ số tiền thuế nợ một lần thì có thể được nộp dần nếu đủ các điều kiện sau:

  • Có bảo lãnh của Tổ chức tín dụng.
  • Có cam kết về tiến độ thực hiện nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp và chia đều số tiền nợ để nộp dần theo tháng.

Thời gian thực hiện tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Trường hợp người nộp thuế vi phạm cam kết về tiến độ nộp thì người bảo lãnh phải nộp thay cho người nộp thuế, bao gồm cả tiền thuế nợ và tiền chậm nộp.

Ngoài nội dung về nộp dần tiền thuế nợ như trên, các nội dung đáng chú ý khác trong nghị định này sẽ được đưa trong các news tới.
Nghị định sẽ có hiệu lực từ 15/9/2013 và thay thế các nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 và số 106/2010/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ.

3.
Xác định số tiền phạt chậm nộp thuế

Công văn 8355/BTC-TCT ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Bộ tài chính hướng dẫn triển khai thực hiện một số quy định của luật quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, thay đổi mới về xác định số tiền phạt chậm nộp như sau:

Quy định cũ Quy định mới
Số ngày tính chậm nộp Không bao gồm ngày lễ, tết Bao gồm ngày lễ, tết
Tỉ lệ tính phạt chậm nộp Tỉ lệ cố định là 0.05%/ngày
  • Trong vòng 90 ngày: 0.05%/ngày
  • Từ ngày 91 trở đi: 0.07%/ngày

Đối với khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2013 nhưng sau ngày 01/7/2013 vẫn chưa nộp tiền thuế thì trước ngày 01/7/2013 sẽ tính theo tỉ lệ cố định là 0.05%/ngày bao gồm cả khoản chậm nộp quá 90 ngày, sau ngày 01/7/2013 sẽ áp dụng theo quy định mới.

4.
Tăng mức lương tính BHXH từ ngày 01/7/2013

Theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP của chính phủ ngày 27/06/2013, mức lương cơ sở (tên gọi mới của mức lương tối thiểu chung) sẽ tăng từ 1,050,000 đồng/ tháng lên 1,150,000 VND/tháng từ ngày 01/7/2013. Đây cũng là mức lương tối thiểu để đóng BHXH.

Do đó, mức lương tối đa đóng BHXH bằng hai mươi tháng lương tối thiểu, sẽ tăng từ 21,000,000VND/tháng lên 23,000,000VND/tháng từ ngày 01/7/2013.