THÁNG 7 NĂM 2014

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”)

Hướng dẫn phương pháp tính thuế GTGT đối với doanh nghiệp mới thành lập

Ngày 10/07/2014, TCT ban hành Công văn 2616/TCT-CS hướng dẫn phương pháp tính thuế GTGT đối với doanh nghiệp mới thành lập.

◆Về phương pháp tính thuế của chi nhánh mới thành lập của doanh nghiệp đang hoạt động nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ :

Trường hợp doanh nghiệp đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có thành lập chi nhánh sau thời điểm 01/01/2014 ở các địa phương khác với trụ sở chính của DN thì:

  • Nếu chi nhánh khai thuế GTGT tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh thì chi nhánh được áp dụng phương pháp tính thuế theo phương pháp tính thuế của doanh nghiệp đang hoạt động.
  • Nếu chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
◆Về giá trị tài sản, máy móc, thiết bị đầu tư mua sắm, góp vốn của doanh nghiệp mới thành lập:

Công văn cho phép doanh nghiệp mới thành lập tổng hợp giá trị của những máy móc, thiết bị chưa đạt tiêu chuẩn là TSCĐ hoặc những công cụ, dụng cụ vào tổng giá trị của TSCĐ, máy móc, thiết bị đầu tư, mua sắm.

Nếu tổng giá trị này từ 1 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT (như quy định tại khoản 3, điều 12 Thông tư 219/2013/TT- BTC ngày 31/12/2014).

◆Về thời hạn nộp mẫu 06/GTGT áp dụng phương pháp tính thuế của doanh nghiệp mới thành lập từ 01/01/2014 :

Về việc tiếp nhận Thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế (Mẫu 06/GTGT) đối với doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 01/01/2014, Cục thuế các tỉnh, thành phố áp dụng đúng theo hướng dẫn của TCT tại công văn số 858/TCT-KK ngày 17/3/2014, theo đó không quy định thời hạn nhận mẫu số 06/GTGT.

Chính sách thuế GTGT đối với doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu và quyền phân phối hàng hóa

Ngày 20/06/2014, TCT ban hành Công văn số 2312/TCT-CS hướng dẫn về chính sách thuế GTGT đối với DNCX khi thực hiện quyền nhập khẩu và quyền phân phối hàng hóa.

Theo đó, DNCX được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này. Chi nhánh sử dụng hóa đơn kê khai và nộp thuế như đối với doanh nghiệp nội địa khi thực hiện hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam.

2. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

Không tính vào chi phí được trừ nếu chi trả lương cho chuyên gia nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam

Ngày 04/07/2014, Cục thuế Bình Dương ban hành Công văn 7583/CT-TT&HT hướng dẫn về chi phí lương của chuyên gia nước ngoài.

Theo đó, trường hợp công ty có thuê chuyên gia nước ngoài làm quản lý, tuy nhiên chuyên gia này không có giấy phép lao động thì khoản tiền lương chi trả cho chuyên gia không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

Công văn 2785/TCT-CS hướng dẫn điểm mới trong Thông tư 78/2014/TT- BTC

Ngày 23/07/2014 TCT ban hành Công văn 2785/TCT-CS hướng dẫn một số nội dung mới của Thông tư 78/2014/TT-BTC về thuế TNDN.

Một số điểm mới đề cập trong công văn như sau:

  • Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ … không đáp ứng đủ điều kiện xác định là TSCĐ thì được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tối đa không quá 3 năm.

    (Trước đây thời gian phân bổ tối đa không quá 2 năm)

  • Bổ sung quy định chi tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài học tại VN theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông được tính vào chi phí được trừ nếu được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động

    (Trước đây chỉ quy định cho bậc học trung học phổ thông)

  • Trường hợp DN có trích lập quỹ dự phòng 17% quỹ tiền lương mà sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính vẫn chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng thì phải giảm trừ chi phí năm sau.

    (Thời hạn trước đây là đến ngày 31/12 năm sau)

3. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”)

Công văn 2605/TCT-TNCN hướng dẫn vướng mắc chính sách thuế TNCN

Ngày 10/07/2014, TCT ban hành Công văn 2605/TCT-TNCN hướng dẫn một số vướng mắc về thuế TNCN. Cụ thể như sau:

◆Về khoản tiền nhà tính vào thu nhập chịu thuế.

Trường hợp người lao động có thu nhập nhiều nơi và được một trong các nơi đó trả thay tiền nhà, thì tiền nhà được trả thay tính vào thu nhập chịu thuế không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị trả thay tiền nhà đó.

◆Về việc quy đổi thu nhập tính thuế đối với trường hợp cá nhân thực nhận lương không bao gồm thuế và có phát sinh tiền làm ca đêm, làm thêm giờ.

Công văn hướng dẫn cách quy đổi như sau:

Quy đổi tổng số thu nhập mà người lao động thực nhận (bao gồm tiền làm ca đêm, làm thêm giờ phần được miễn thuế) thành thu nhập chịu thuế. Sau đó, lấy thu nhập chịu thuế trừ (-) đi phần thu nhập làm ca đêm, làm thêm giờ phần được miễn thuế. Từ đó, tính thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

◆Về thuế TNCN đối với người nước ngoài.

Khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện người lao động là người nước ngoài có phát sinh thu nhập chịu thuế TNCN ở Việt Nam và ở nước ngoài nhưng chưa kê khai hoặc kê khai còn thiếu thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, mức phạt sẽ áp dụng theo hướng dẫn tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính.

Trường hợp người lao động nước ngoài đã về nước trước thời điểm kiểm tra thuế, để tránh việc người lao động lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm thuế, cơ quan thuế có thể tiến hành phối hợp với đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam thông báo cho người nộp thuế biết về nghĩa vụ thuế TNCN.