THÁNG 10 NĂM 2015

Bản tiếng Nhật (PDF)Bản tiếng Nhật (PDF) Bản tiếng Việt (PDF)Bản tiếng Việt (PDF)

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. KẾ TOÁN

Công văn 12568/BTC-CĐKT giải thích nội dung thông tư 200/2014/TT- BTC

Ngày 09/09/2015, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 12568/BTC-CĐKT giải thích một số nội dung Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Trong đó, có một số nội dung nổi bật như sau:

a)  Về việc ghi nhận doanh thu, giá vốn của các giao dịch mua, bán, điều chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội bộ

Việc ghi nhận doanh thu, giá vốn đối với các giao dịch mua, bán hàng giữa các đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc trong nội bộ một doanh nghiệp là do doanh nghiệp quyết định mà không phụ thuộc vào hình thức chứng từ xuất ra là hóa đơn hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ. (Quy định tại Điều 8 Thông tư 200 mang tính khuyến cáo, không mang tính bắt buộc)

b)  Các vấn đề về tỷ giá hối đoái

  • Về tỷ giá: Không được sử dụng chung 1 tỷ giá trong hạch toán do trong điều kiện tình hình tỷ giá biến động phức tạp như hiện nay, việc áp dụng 1 tỷ giá (tỷ giá mua hoặc tỷ giá bán hoặc tỷ giá bình quân mua và bán) không đảm bảo phản ánh đúng tình hình tài chính và chênh lệch tỷ giá hối đoái của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mà có giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ lớn.
  • Về việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và việc sử dụng tỷ giá hối đoái của công ty con có công ty mẹ ở nước ngoài: Việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ để ghi nhận chênh lệch tỷ giá hối đoái tại thời điểm lập BCTC thì việc kết chuyển lãi/lỗ về chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại cũng sẽ thực hiện tại thời điểm lập BCTC, không phải chỉ là cuối năm tài chính (Do sơ suất Thông tư số 200 bị sai lỗi chính tả).
  • Việc công ty con được sử dụng tỷ giá do công ty mẹ quy định để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ chỉ áp dụng đối với công ty con có công ty mẹ tại Việt Nam. Đối với công ty con có công ty mẹ ở nước ngoài thì chỉ áp dụng quy định này cho BCTC dùng để hợp nhất, không áp dụng đối với BCTC công bố tại Việt Nam.

c)  Về chi phí trả trước

Đối với khoản mục chi phí trả trước thì việc phân loại ngắn hạn và dài hạn căn cứ vào kỳ hạn gốc của từng khoản chi phí trả trước mà không căn cứ vào kỳ hạn còn lại để phân loại ngắn hạn, dài hạn. (Không tái phân loại chi phí trả trước dài hạn thành ngắn hạn).

d)  Về ghi nhận doanh thu/ giá vốn hàng tặng, hàng khuyến mãi

Về nguyên tắc, doanh thu phải ghi nhận tương ứng với nghĩa vụ đã phát sinh. Vì vậy doanh nghiệp không được ghi nhận doanh thu của hàng tặng, khuyến mại khi chưa giao hàng do chưa đảm bảo điều kiện ghi nhận doanh thu bán hàng và theo đó DN không được ghi nhận một khoản trích trước giá vốn hàng bán đối với hàng tặng, khuyến mại.

e)  Về tài khoản 413

  • Đối với giao dịch mua sắm tài sản hoặc thanh toán các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua TK phải trả) áp dụng theo tỷ giá mua (vì doanh nghiệp không phải chi tiền VNĐ để mua ngoại tệ mà sử dụng ngoại tệ ở quỹ hoặc ngoại tệ là TGNH để thanh toán). Quy định này nhằm đảm bảo tài sản không ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi.
  • Đối với giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí phát sinh nhưng chưa trả tiền thì về doanh nghiệp ghi nhận khoản nợ phải trả theo tỷ giá bán của ngân hàng để đảm bảo nguyên tắc nợ phải trả không ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán.

f)  Thông tin so sánh trên BCTC

Khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái của giai đoạn trước hoạt động của các doanh nghiệp (theo Thông tư 179) chưa phân bổ hết trên TK 3387/242 đến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì phải kết chuyển toàn bộ số còn lại chưa phân bổ vào TK 515/635 ngay trong năm 2015 trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

g)  Về việc vốn hóa chi phí lãi vay

Đối với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng. Việc này đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp với thông lệ quốc tế là TSCĐ, BĐSĐT thường không phải là các tài sản sản xuất hàng loạt như hàng tồn kho. Vì vậy Thông tư 200 quy định vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng của tài sản dưới 12 tháng.

Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán doanh nghiệp đều do Bộ Tài chính ban hành, vì vậy theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản do cùng một cơ quan ban hành quy định về cùng một vấn đề thì văn bản ban hành sau sẽ thay thế văn bản đã ban hành trước đó.

2. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

Công văn 4315/TCT-CS về chứng từ cho khoản chi phí lãi vay từ cá nhân

Ngày 16/10/2015, Tổng cục thuế ban hành Công văn số 4315/TCT-CS về chứng từ hợp lý cho khoản chi phí lãi vay từ cá nhân.

Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, thì khoản chi trả lãi tiền vay doanh nghiệp vay của cá nhân để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi:

  • Không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;
  • Có hợp đồng vay;
  • Chứng từ thanh toán.
Công văn 4276/TCT-CS về chính sách thuế TNDN cho hoạt động chuyển nhượng và thanh lý tài sản

Ngày 14/10/2015, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4276/TCT-CS về chính sách thuế TNDN cho hoạt động chuyển nhượng và thanh lý tài sản.

Khoản thu nhập từ hoạt động nhượng bán một phần máy móc thiết bị và thanh lý máy móc, thiết bị, tài sản không thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh chính được hưởng ưu đãi thuế TNDN (ưu đãi theo lĩnh vực đầu tư) nên khoản thu nhập trên không được hưởng ưu đãi.

Công ty phải kê khai nộp thuế TNDN theo thuế suất thuế TNDN thông thường.

3. THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”)

Công văn số 4005/TCT-CS về việc kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động

Ngày 29/09/2015, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4005/TCT-CS về việc kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động.

Theo đó, đối với khoản chi phúc lợi mà người lao động được thụ hưởng trực tiếp thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu:

  • Có đầy đủ hoá đơn chứng từ và;
  • Tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo quy định;

Đồng thời, doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi phúc lợi tương ứng với khoản tiền được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nêu trên nếu đáp ứng được các điều kiện về khấu trừ theo quy định.

Công văn số 4009/TCT-CS về việc khấu trừ thuế GTGT khâu nhập khẩu của xe ô tô nhận biếu, tặng

Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu trên hướng dẫn điều kiện khấu trừ thuế GTGT như sau:

  • Có hoá đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mua vào;
  • Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên.

Trường hợp từ tháng 08/2014, Công ty nhập khẩu ô tô do Tổ chức nước ngoài tặng, và không phát sinh giao dịch thanh toán qua ngân hàng, tuy nhiên, nếu việc nhập khẩu phù hợp quy định của pháp luật, Công ty đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và Công ty dùng ô tô này làm tài sản cố định phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì Công ty được kê khai, khấu trừ số thuế GTGT đã nộp ở khâu nhập khẩu.

Công văn 14688/BTC-TCT về chính sách thuế GTGT đối với kho ngoại quan

Ngày 19 tháng 10 năm 2015, Bộ Tài chính ban hành Công văn 14688/BTC-TCT về chính sách thuế GTGT đối với kho ngoại quan.

Trường hợp doanh nghiệp được phép thành lập và kinh doanh kho ngoại quan theo quy định, thực hiện cung cấp dịch vụ: Cho thuê kho ngoại quan, dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, đóng gói bao bì, dán nhãn mác cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện trong kho ngoại quan gắn với xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài thì các dịch vụ này áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, nếu đáp ứng điều kiện tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ như sau:

  • Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu hoặc ủy thác gia công hàng hóa xuất khẩu, hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
  • Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không dùng tiền mặt và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật; đối với hàng hóa xuất khẩu phải có tờ khai hải quan.

4. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN (“TNCN”)

Công văn 4036/TCT-TNCN chi phí thuế TNCN của cá nhân không cư trú môi giới bán hàng tại nước ngoài cho Doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 30/09/2015, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 4036/BTC-TCT hướng dẫn chính sách thuế TNCN của cá nhân không cư trú.

Theo hướng dẫn của Công văn, trường hợp cá nhân không cư trú làm dịch vụ môi giới tại nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam bán hàng hoá tại nước ngoài thì thu nhập của cá nhân không cư trú trong trường hợp này được xác định là thu nhập ngoài Việt Nam.

Tổ chức chi trả khoản thu nhập này không khấu trừ thuế TNCN khi chi trả hoa hồng môi giới.

5. HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ

Sử dụng tiếp hoá đơn sau khi chuyển địa điểm kinh doanh

Ngày 21/10/2015, Cục thuế tỉnh Đồng Nai ban hành Công văn số 6875/CT-TT&HT về việc sử dụng tiếp hoá đơn sau khi chuyển địa chỉ kinh doanh.

Trường hợp Công ty chuyển địa điểm kinh doanh, nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan quản lý trực tiếp, nếu công ty công ty có nhu cầu sử dụng tiếp hoá đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên tờ hoá đơn thì công ty:

  • Đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ trên tờ hoá đơn tiếp tục sử dụng.
  • Gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế (mẫu 3.13 phụ lục 3, thông tư 39/2014/TT-BTC).

6. LAO ĐỘNG

Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Ngày 07/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Một số điểm mới đáng lưu ý của Nghị định này như sau:

  1. Bổ sung quy định đối với hành vi vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ):

    Cụ thể, phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng KPCĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) có một trong các hành vi sau:

    • Chậm đóng KPCĐ.
    • Đóng KPCĐ không đúng mức quy định.
    • Đóng KPCĐ không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

    Trường hợp NSDLĐ không đóng KPCĐ cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng thì phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

    Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt, NSDLĐ phải nộp toàn bộ số tiền chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và tiền lãi theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

  2. Bổ sung quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật.

  3. Bổ sung quy định đối với hành vi vi phạm quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam:

    Cụ thể, hành vi sử dụng người lao động Việt Nam nhưng không báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng.

    Nếu sử dụng người lao động Việt Nam mà không thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

    Nghị định 88/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2015.