Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất
Mục lục
Theo quy định tại khoản 2, điều 16, thông tư 39/2014/TT-BTC “Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.”
Theo quy định tại điều 8 thông tư 219/2013/TT-BTC về thời điểm xác định thuế GTGT “Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”
Theo đó, trường hợp công ty cung cấp dịch vụ cho khách hàng, việc cung ứng dịch vụ đã hoàn thành từ năm trước nhưng đến năm sau công ty mới lập hóa đơn là không đúng quy định và bị xử phạt vi phạm hành chánh trong lĩnh vực thuế và bị xử phạt vi phạm lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định tại thông tư số 10/2014/TT-BTC
Đối với bên mua, nếu việc mua hàng hóa, dịch vụ đúng thực tế, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 8, điều 14, thông tư 219/2013/TT-BTC thì được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Theo hướng dẫn tại Công văn 3550/TCT-KK ngày 10/8/2016 của Tổng cục thuế, thời hạn nộp Mẫu 06/GTGT để đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ trong năm 2016 chậm nhất là ngày 30/4/2016. Nếu nộp trễ hạn, doanh nghiệp phải chuyển sang áp dụng phương pháp trực tiếp từ 1/5/2016.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ phải nộp Mẫu 06/GTGT mới được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, nhưng đến hết ngày 30/4/2016, doanh nghiệp vẫn không gửi mẫu 06/GTGT đến cơ quan thuế thì từ ngày 1/5/2016, doanh nghiệp phải chuyển sang áp dụng phương pháp trực tiếp và sử dụng hóa đơn bán hàng.
Nếu sau ngày 1/5/2016, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn GTGT thì bị xử phạt vi phạm về thuế và xử phạt việc sử dụng hóa đơn sai quy định, đồng thời phải nộp tiền thuế GTGT ghi trên các hóa đơn đã giao khách hàng.
Căn cứ theo tiết b, khoản 12, điều 14 thông tư 219/2013/TT-BTC, trường hợp Công ty trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên của Công ty có ủy quyền cho công ty khác (gọi tắt là tổ chức được ủy quyền) thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập như: mua máy photocopy, vật liệu tiêu hao, phụ tùng thay thế, phần mềm,... thì các hóa đơn mang tên tổ chức được ủy quyền, Công ty không phải điều chỉnh hóa đơn (thông tin đơn vị mua hàng) và được coi là chứng từ hợp lý, hợp lệ để kê khai thuế GTGT đầu vào và hạch toán vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu các hóa đơn này đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Thông từ 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài Chính.
Công ty phải thực hiện thanh toán cho tổ chức được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hoá đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.
Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ thuộc diện được miễn thuế TNCN.
Căn cứ quy định trên, trường hợp trong năm, doanh nghiệp có tổ chức cho người lao động tăng ca trên 200 giờ, thì phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ đối với số giờ trên 200 giờ trong năm nếu đáp ứng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì được miễn thuế TNCN.
Căn cứ điểm h.2.1.1.1 và h.2.1.2 khoản 1 điều 9 thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 25/08/2013 quy định tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc và xuất trình khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thuế.
Do đó, trường hợp doanh nghiệp là đơn vị được cá nhân ủy quyền quyết toán thuế TNCN thay, nếu không lưu giữ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc và không xuất trình được khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thuế thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp số thuế bị truy thu vào ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và khoản 2.6 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, khoản tiền học phí mà Công ty trả cho con của người lao động nước ngoài học tại Việt Nam từ bậc mầm non đến THPT được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, đồng thời được miễn tính thuế TNCN.
Về nguyên tắc, khoản tiền học phí này phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tuy nhiên, nếu trường hợp Trường dạy con em của người nước ngoài trực thuộc Lãnh sự quán và không có hóa đơn, chỉ cung cấp chứng từ là giấy yêu cầu thanh toán và phiếu thu học phí thì các chứng từ này cùng với chứng từ chi tiền của Công ty theo quy định là căn cứ để công ty ghi nhận vào chi phí hợp lý.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì khoản tiền bồi thường thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 103/2014/TT-BTC, trường hợp Công ty phát sinh khoản tiền bồi thường cho tổ chức nước ngoài do vi phạm hợp đồng thì khi trả tiền bồi thường cho tổ chức nước ngoài phải khấu trừ, kê khai và nộp thay thuế nhà thầu.
Theo đó, trường hợp Công ty Việt Nam ký hợp đồng mua bán với Công ty nước ngoài, theo thỏa thuận tại hợp đồng, Công ty Việt Nam phải trả lại cho công ty nước ngoài một khoản tiền bồi thường nếu không thực hiện được các cam kết tại hợp đồng thì khi chi trả khoản tiền bồi thường cho công ty nước ngoài, Công ty Việt Nam có nghĩa vụ tính, khấu trừ và kê khai nộp thuế thay cho công ty nước ngoài như sau:
Thuế GTGT: tiền bồi thường thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
Thuế TNDN = doanh thu tính thuế x 2% (Điều 13 quy định tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu tính thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh khác của nhà thầu nước ngoài là 2%.)
Theo Nghị quyết này, từ 01/07/2017 mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng.
lên đến 26.000.000 đồng (Mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng và Mức tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở).
Ngoài ra, căn cứ theo NĐ 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/01/2017, mức trần đóng BHTN từ 01/01/2017 sẽ tăng như sau:
Quy định này có thể dẫn đến mức tăng trong đóng bảo hiểm bắt buộc kể từ ngày 01/01/2017 (cả phần người lao động đóng và phần doanh nghiệp đóng).
So với quy định hiện hành, thông tư này có nhiều sửa đổi quan trọng trong lĩnh vực xử phạt hóa đơn theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp, giảm nhẹ khung tiền phạt đối với những hành vi vi phạm về hóa đơn sau:
- Đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản, từ khung 2 - 4 triệu đồng giảm xuống khung 0.5 - 1,5 triệu đồng (khoản 1 Điều 1).
- Hợp đồng đặt in hóa đơn không đầy đủ nội dung bắt buộc, giảm từ mức 2 triệu xuống còn 500.000 đồng (khoản 1b Điều 1).
- Bên bán làm mất hóa đơn liên 2 chưa giao khách hàng, từ khung 10 - 20 triệu giảm xuống khung 4 - 8 triệu (khoản 4 Điều 1).
Tuy nhiên, nếu bên mua làm mất hóa đơn liên 2 đã lập để hạch toán kế toán, kê khai thuế thì tăng mức hình phạt từ 2 – 4 triệu đồng lên 4 – 8 triệu đồng. (trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền).
Đặc biệt, thông tư cũng miễn phạt đối với trường hợp tổ chức, cá nhân tự phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra thì không bị phạt tiền. (trước đây, chỉ miễn phạt khi tổ chức, cá nhân phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trong thời hạn quy định nộp thông báo, báo cáo)
Ngoài ra, Thông tư cũng có bổ sung nhiều hành vi vi phạm hóa đơn bị phạt tiền, như:
- Đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo doanh nghiệp không đủ điều kiện đặt in, mức phạt từ 2 - 4 triệu và buộc phải hủy các hóa đơn đặt in không đúng quy định (khoản 1 Điều 1).
- Sử dụng hóa đơn đã được thông báo phát hành với cơ quan thuế nhưng chưa đến thời hạn sử dụng (05 ngày kể từ ngày gửi thông báo), mức phạt từ 500.000 - 1,5 triệu (khoản 2 Điều 1).
- Không niêm yết Thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định, mức phạt từ 2- 4 triệu (khoản 3 Điều 1).
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016.
Hiện nay, Bộ tài chính đang triển khai thực hiện Quyết định 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Kế toán – Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến 2020. Theo đó việc phát triển và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Chuẩn mực Báo cáo tài chính (BCTC) tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần phải được sớm triển khai để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, Bộ tài chính đang xây dựng đề án đưa IFRS vào Việt Nam và cập nhật, ban hành mới VAS/VFRS. Theo đó lộ trình áp dụng IFRS dự kiến như sau:
- Giai đoạn 2017 – 2018:
+ Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, DN, trường đại học về các nội dung dự thảo VAS/VFRS và IFRS
+ Đào tạo, dịch tài liệu về IFRS
+ Khảo sát sự sẵn sàng áp dụng IFRS tại các đơn vị có lợi ích công chúng.
+ Đánh giá tác động của việc áp dụng IFRS. Đánh giá sự khác biệt về cơ chế tài chính của Việt Nam với IFRS.
+ Lựa chọn một số đơn vị áp dụng thí điểm IFRS.
- Giai đoạn 2018 – 2020:
+ Lựa chọn một số IFRS (khoản từ 10-20 IFRS) đơn giản phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và công bố tuân thủ, áp dụng đối với tất cả các đơn vị có lợi ích công chúng từ năm 2020. Các đơn vị được lựa chọn thí điểm áp dụng từ 2019.
+ Xây dựng hướng dẫn áp dụng IFRS.
+ Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, đào tạo IFRS cho các DN, công ty kiểm toán, trường đại học.
- Giai đoạn 2020 – 2023:
+ Tiếp tục công bố, tuân thủ thêm một số IFRS (dự kiến nâng số lượng IFRS được tuân thủ lên 30 Chuẩn mực).
+ Khuyến khích các đơn vị không có lợi ích công chúng, nhưng có đủ điều kiện và mong muốn được lập và trình bày BCTC theo IFRS.
+ Tiếp tục xây dựng hướng dẫn áp dụng IFRS.
+ Tiếp tục hỗ trợ các DN trong việc triển khai áp dụng, các trường đại học trong việc đào tạo IFRS.
- Giai đoạn 2023 – 2025:
+ Tuyên bố tuân thủ hoàn toàn IFRS.
+ Tiếp tục hỗ trợ các DN và trường đại học, xây dựng hoàn chỉnh bộ hướng dẫn áp dụng IFRS và sửa đổi, bổ sung, cập nhật hàng năm theo sự thay đổi của quốc tế.
Ngoài ra, Bộ tài chính sẽ biên dịch IFRS từ tiếng anh sang tiếng việt, để làm căn cứ thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng nghiên cứu, áp dụng.
(Nguồn: Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính)