THÁNG 9 NĂM 2018

日本語版PDF日本語版PDF ベトナム語版PDFベトナム語版PDF 英語版PDF英語語版PDF

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. HÓA ĐƠN

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

Nghị định quy định về việc sử dụng hóa đơn điện tử trong tất cả các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để dần thay thế hoàn toàn hình thức hóa đơn giấy.

Theo đó, mọi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều bắt buộc phải xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Ngoài ra, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ hoặc 10 tỷ trở lên (nếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ) cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Riêng doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; siêu thị; thương mại được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

Nghị định này cũng bắt buộc mỗi lần bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất hóa đơn điện tử, không phân biệt giá trị từng lần bán cao hay thấp, thay vì quy định cũ cho phép miễn xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ dưới 200.000 đồng nếu người mua không yêu cầu.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử có hay không có mã của cơ quan thuế bắt buộc phải đăng ký trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế theo Mẫu số 01 ban hành tại Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử được thực hiện theo lộ trình đến ngày 1/11/2020 và các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực sử dụng cho đến 31/10/2020, từ 1/11/2020 mới hết hiệu lực.

2. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (“TNDN”)

Công văn 3966/CT-TTHT ngày 24/1/2018 của Cục thuế Hà Nội hướng dẫn về việc xem xét lãi vay vốn hóa khi xác định thu nhập chịu thuế theo Nghị định 20

Theo công văn này, phần chi phí lãi vay đủ điều kiện vốn hóa vào giá trị tài sản nếu thực hiện đúng theo Chuẩn mực kế toán số 16 về chi phí đi vay sẽ không nằm trong tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ dùng để so sánh với 20% EBITDA theo hướng dẫn tại khoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Việc thực hiện như trên cũng phù hợp với hướng dẫn tại Phụ lục II, Thông tư 41/2017/TT-BTC, theo đó: chi phí lãi vay được hiểu là giá trị chi phí lãi vay tính vào chi phí tài chính trong kỳ.

Bên cạnh đó, công văn còn nêu rõ, Công ty không được bù trừ chi phí lãi vay và khoản thu từ lãi cho vay khi xác định thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại khoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Công văn số 6315/CT-TTHT ngày 29/6/2018 của Cục Thuế TP. HCM về việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 228/2009/TT-BTC (sửa đổi tại Điều 1 Thông tư 89/2013/TT-BTC), khoản vốn doanh nghiệp đầu tư vào công ty khác được xác định là khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Theo đó, nếu kết quả kinh doanh ghi nhận trên Báo cáo tài chính cuối năm của công ty mà doanh nghiệp đầu tư bị lỗ (trừ trường hợp lỗ theo kế hoạch) thì doanh nghiệp được trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn và được tính vào chi phí hợp lý.

Mức trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn được xác định theo công thức quy định tại điểm c Điều 1 Thông tư 89/2013/TT-BTC.

Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

Một trong những điểm mới của Thông tư này là mở rộng hình thức tài trợ cho giáo dục được chấp nhận.

Cụ thể, ngoài hình thức tài trợ bằng tiền, hiện vật thì còn cho phép tài trợ phi vật chất, như: chuyển giao hoặc cấp quyền sử dụng miễn phí đối với bản quyền và quyền sở hữu các tài sản trí tuệ; quyền sử dụng đất; đóng góp ngày công lao động; cung cấp dịch vụ đào tạo, tham quan, khảo sát, hội thảo, chuyên gia tư vấn miễn phí cho cơ sở giáo dục

Bên cạnh đó, việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

“Tài trợ cho giáo dục” thuộc một trong các khoản chi tài trợ được hạch toán khi tính thuế TNDN, nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 2.22 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/9/2018 và thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐTngày 10/9/2012.

3.  THUẾ NHÀ THẦU

Công văn số 2105/CT-TTHT ngày 04/09/2018 của Cục thuế tỉnh Long An về thuế nhà thầu đối với phí bảo hiểm công ty mẹ mua hộ ở nước ngoài

Trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài mua hộ cho Công ty con tại Việt Nam các loại bảo hiểm ở nước ngoài nhằm mục đich kiểm soát rủi ro theo chính sách chung của Tập đoàn (như bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm công cộng, bảo hiểm môi trường, bảo hiểm triệu hồi sản phẩm), sau đó Công ty con ở Việt Nam chuyển trả tiền lại cho công ty mẹ thì Công ty con tại Việt Nam có trách nhiệm kê khai và nộp thay thuế nhà thầu trước khi chuyển trả.

Thuế suất thuế nhà thầu được áp dụng với thuế suất như sau: 5% thuế GTGT và 5% thuế TNDN

4.  KHÁC

Công văn số 1904/BHXH-CĐ ngày 27/9/2018 của Bảo hiểm xã hội TP. HCM về việc giải quyết chế độ ốm đau

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động bị ốm đau trong thời gian “đang nghỉ không hưởng lương” thì không được hưởng trợ cấp ốm đau. Như vậy, điều khoản này chỉ từ chối trợ cấp ốm đau đối với người nghỉ ốm trong cùng thời gian đang nghỉ không hưởng lương.

Theo đó, trường hợp trong tháng người lao động vừa xin nghỉ không hưởng lương trên 14 ngày, vừa xin nghỉ ốm đau mà thời gian nghỉ ốm không trùng với thời gian nghỉ không hưởng lương thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp ốm đau mặc dù tháng đó người lao động không đóng BHXH.