Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất
Mục lục
Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016, trong giai đoạn từ ngày 01/07/2016 đến trước 01/02/2018, hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu không được hoàn thuế GTGT đầu vào.
Theo công văn này, Bộ Tài chính quy định trường hợp nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu không phải là trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu theo quy định trên vì nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu này khi xuất khẩu không còn giữ nguyên hiện trạng ban đầu, nên không thuộc diện không được hoàn thuế GTGT.
Mặt khác, căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, nguyên liệu nhập khẩu để gia công, SXXK cho bên nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT tại khâu nhập khẩu thì được xác định là nộp thừa và được đề nghị hoàn tại cơ quan Hải quan theo khoản 64 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC.
(Công văn này làm rõ điểm 3 Công văn 16836/BTC-TCHQ mà Bộ Tài Chính đã hướng dẫn trước đó:
3. Đối với các tờ khai xuất khẩu phát sinh từ ngày 01/7/2016 trở đi, việc xử lý thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu) thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH13, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung.)
Trường hợp công ty có thuê người lao động là người nước ngoài và phát sinh các khoản chi phí liên quan đến hoạt động xin cấp giấy phép lao động như khám sức khỏe, chụp ảnh màu, hợp pháp hóa lãnh sự,... phù hợp với quy định tại Điều 10, Nghị định 11/2016/NĐ-CP về hồ sơ giấy phép lao động thì theo Tổng Cục Thuế, việc chi trả các chi phí này là trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, không phải là lợi ích của người lao động và xử lý thuế như sau:
- Về thuế TNCN: Không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động
- Về thuế TNDN: Được tính vào chi phí được trừ nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định của thuế TNDN.
Trường hợp Công ty ký hợp đồng nhà thầu tách riêng giá trị máy móc thiết bị với giá trị dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, bảo hành... và chưa bao gồm thuế GTGT, thuế TNDN thì khi trích nộp thuế nhà thầu phải quy đổi ra doanh thu có thuế. Tỷ lệ % tính thuế nhà thầu được xác định như sau:
- Đối với máy móc thiết bị, dụng cụ chuyên dùng và đồ dự phòng cho hoạt động bảo dưỡng: 1% thuế TNDN, riêng thuế GTGT chỉ nộp một lần tại cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu.
- Đối với dịch vụ vận chuyển: nộp 2% thuế TNDN và 3% thuế GTGT.
- Đối với dịch vụ xây dựng, lắp đặt: nộp 2% thuế TNDN và 5% thuế GTGT (nếu không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị) hoặc 3% thuế GTGT (nếu có bao thầu).
- Đối với dịch vụ thiết kế xây lắp, thử nghiệm, vận hành thử, đào tạo, bảo hành, quản lý gói thầu và dịch vụ khác: nộp 5% thuế TNDN và 5% thuế GTGT.
Ngày 15/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật an toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
I. Đối tượng tham gia
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định này, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Các đối tượng bên trên sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định 11/2016/NĐ-CP;
(Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.)
- NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
II. Mức đóng
1. Giai đoạn từ 01/12/2018 đến 31/12/2021
- Đối với NLĐ: Không phải tham gia
- Đối với NSDLĐ: 3,5% mức tiền lương tháng (Trong đó: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản và 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp)
2. Giai đoạn từ 01/01/2022 trở về sau
- Đối với NLĐ: 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Đối với NSDLĐ: 17,5% mức tiền lương tháng (Trong đó: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bênh nghề nghiệp, 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất)
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2018. Riêng các chế độ về hưu trí, tử tuất theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định này, kể cả việc đóng 22% quỹ hưu trí, tử tuất (trong đó doanh nghiệp đóng 14% và người nước ngoài đóng 8%) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Theo đó, thâm niên đã tính hưởng trợ cấp thôi việc trước đó (nếu có) sẽ không còn được tính hưởng trợ cấp mất việc về sau. Ngoài ra, đối với trợ cấp thôi việc, những khoảng thời gian sau đây sẽ không còn được tính trợ cấp thôi việc: thời gian thử việc, học nghề, tập nghề; thời gian bị tạm giữ, tạm giam cho dù sau đó được kết luận vô tội.
Đối với thời gian tham gia BHTN bị giảm trừ khi tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, theo bổ sung tại Nghị định này thì khoảng thời gian được tính là thời gian đã đóng BHTN theo quy định của pháp luật về BHTN cũng bị giảm trừ.
Tuy nhiên, có một số khoảng thời gian mới sẽ được tính trợ cấp thôi việc, như: thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động sau khi bị TNLĐ-BNN; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân có hưởng lương.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2018.
Trường hợp hợp đồng lao động chấm dứt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà người sử dụng lao động chưa tính trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động thì thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được xác định theo văn bản quy phạm pháp luật hiện hành tại thời điểm hợp đồng lao động chấm dứt.
Trường hợp hợp đồng lao động có hiệu lực trước ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành mà hợp đồng lao động có thỏa thuận thời gian thử việc thì thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm bao gồm cả thời gian thử việc trong hợp đồng lao động.