Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.
Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất
Mục lục
Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-BTC, đối với Chi nhánh sử dụng chung mẫu hóa đơn với Công ty, nếu Chi nhánh khai thuế GTGT riêng thì phải gửi thông báo phát hành hóa đơn. Ngược lại, nếu Chi nhánh khai thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính thì được miễn thông báo phát hành hóa đơn.
Trường hợp Chi nhánh có lập thông báo phát hành hóa đơn điện tử, phải đảm bảo nguyên tắc không được tạo trùng số hóa đơn trong cùng ký hiệu với các hóa đơn điện tử đã phát hành trước đây (khoản 3 Điều 5 Thông tư 39/2014/TT-BTC).
Ngoài ra, Chi nhánh phải thay đổi số thứ tự mẫu hóa đơn khi có thay đổi một trong các tiêu chí trên mẫu hóa đơn đã thông báo phát hành như tiêu chí bắt buộc, kích thước hóa đơn...
Trường hợp Chi nhánh có nhu cầu thay đổi hóa đơn điện tử theo mẫu thống nhất của Tập đoàn thì phải dừng sử dụng hóa đơn điện tử còn tồn và thực hiện hủy theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 32/2011/TT-BTC và Điều 29 Thông tư 39/2014/TT-BTC.
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 32/2011/TT-BTC, chữ ký là thông tin bắt buộc trên hóa đơn điện tử.
Về nguyên tắc, tại thời điểm lập hóa đơn điện tử, doanh nghiệp phải ghi đầy đủ các thông tin bắt buộc, trong đó có chữ ký.
Theo đó, trường hợp trên hóa đơn điện tử đồng thời có 2 tiêu thức “ngày lập” và “ngày ký” thì về nguyên tắc tại thời điểm lập hóa đơn phải có chữ ký điện tử của bên bán. Nói cách khác, ngày ký hóa đơn phải trùng với ngày lập.
Theo Công văn này, trường hợp Công ty kinh doanh dịch vụ giao nhận, vận tải hàng hóa thì khi lập hóa đơn điện tử cho khách hàng được ghi trên hóa đơn là “dịch vụ giao nhận, vận tải” và đính kèm bảng kê chi tiết số lượng hàng hóa giao nhận, vận tải để đối chiếu
Theo Công văn này, trường hợp nhà thầu nước ngoài có nhận tiền tạm ứng hợp đồng trước khi thành lập Văn phòng điều hành (VPĐH) tại Việt Nam và chủ đầu tư đã trích nộp thuế nhà thầu theo tỷ lệ % trên số tiền tạm ứng, cho dù VPĐH đăng ký nộp thuế khấu trừ thì cũng không được bù trừ số thuế GTGT mà chủ đầu tư đã nộp thay khi kê khai thuế GTGT của doanh thu phát sinh kể từ khi VPĐH được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế.
Đồng thời, VPĐH cũng không được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào khác phát sinh trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế.
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC, dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế GTGT 0% phải là dịch vụ thực hiện ở nước ngoài đồng thời phải có hợp đồng dịch vụ ký trực tiếp với tổ chức ở nước ngoài.
Theo đó, nếu 2 công ty trong nước ký hợp đồng với nhau để mang máy móc, thiết bị ra nước ngoài cho thuê thì đơn vị nào trục tiếp ký hợp đồng cho thuê với bên nước ngoài sẽ được hưởng thuế GTGT 0%. Bên còn lại, chỉ ký hợp đồng với công ty trong nước, cho dù số máy móc, thiết bị này được mang ra nước ngoài cho thuê vẫn không được hưởng thuế GTGT 0%
Theo quy định tại khoản 2.32 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, đối với khoản chi từ thiện, doanh nghiệp chỉ được hạch toán khi tiền từ thiện đó nhằm mục đích: tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục thiên tai, xây nhà tình nghĩa, tình thương; tài trợ cho nghiên cứu khoa học; tài trợ cho đối tượng chính sách và tài trợ cho địa phương đặc biệt khó khăn.
Ngược lại, nếu từ thiện cho các mục đích khác thì không được chấp nhận, doanh nghiệp sẽ bị xuất toán chi phí từ thiện.
Theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Luật thuế XNK số 107/2016/QH13, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan được miễn thuế nhập khẩu nếu chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp DNCX nhập khẩu quần áo đồng phục cho công nhân viên, do được sử dụng hàng ngày hoặc có sự luân chuyển thường xuyên ra vào DNCX nên không đủ cơ sở để xác định các mặt hàng này chỉ được sử dụng trong DNCX. Vì vậy, không được miễn thuế nhập khẩu.