THÁNG 6 NĂM 2020

日本語版PDF日本語版PDF ベトナム語版PDFベトナム語版PDF 英語版PDF英語語版PDF

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.

Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Công văn số4376/CT-TTHT ngày 05/05/2020 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh về việc ghi nhận chi phí hợp lý nếu chi tiền mặt cho nhân viên đi nghỉ mát

Theo nội dung công văn này, trường hợp Công ty phát sinh khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động (chi nghỉ mát bằng tiền mặt cho người lao động không tham gia đợt nghỉ mát hằng năm theo Thỏa ước lao động tập thể do dịch bệnh), nếu tổng số chi có tính chất phúc lợi của Công ty không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của Công ty thì Công ty căn cứ chứng từ chi tiền cho người lao động và danh sách người lao động được nhận tiền nghỉ mát theo quy chế của Công ty có chữ ký của người lao động nhận tiền để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Công văn s ố44403/CT-TTHT ngày 01/06/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội vềchính sách thuếTNCN, TNDN đối với các khoản chi cho nhân viên trong đợt dịch Covid-19

Theo công văn này, Cục thuế Thành phố Hà Nội cho phép trường hợp công ty có các khoản chi bao gồm chi mua khẩu trang, nước sát khuẩn, phụ kiện bảo hộ và chi xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm cho nhân viên để phòng ngừa lây nhiễm vi-rút Covid-19 là khoản chi trực tiếp cho người lao động ngoài các khoản chi lương thưởng đã thỏa thuận, có tính chất phúc lợi, nhằm nâng cao cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người lao động và được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng đủ quy định tại khoản 1 điều 4 Thông tư 96/2014/TT-BTC và tổng số chi có tính chất phúc lợi không vượt quá 01 (một) tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Về thuế TNCN, trường hợp các khoản chi nêu trên ghi rõ tên cá nhân hưởng thì khoản chi này tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp các khoản chi nêu trên không ghi rõ tên cá nhân hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì khoản chi này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định.

Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/06/2020 của Chính phủ sửa đổi quy định về ghi nhận chi phí lãi vay được trừ đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Nghị định này sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 8, nghị định số 20/2017/NĐ-CP về chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, cụ thể như sau:

1. Đối với kỳ tính thuế từ năm 2019 trở đi:

1.1. Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

Quy định cũ đang khống chế ở mức 20%.

1.2. Chi phí lãi vay không được trừ theo quy định trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm.

Các nội dung trên có hiệu lực thi hành từ ngày24/06/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế 2019.

2. Đối với kỳ tính thuế năm 2017, 2018

2.1. Nghị định này có hiệu lực hồi tố đối với quy định mức khống chế chi phí lãi vay 30% cho kỳ tính thuế năm 2017, 2018.

Cụ thể, đối với hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2017, 2018, người nộp thuế được khai bổ sung để xác định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng (nếu có).

Hạn nộp hồ sơ khai bổ sung: trước ngày 01/01/2021.

2.2. Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã nộp lớn hơn số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ với số thuế TNDN phải nộp trong năm 2020. Nếu trong năm 2020 bù trừ không hết thì được bù trừ tiếp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ năm 2020.

2. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Công văn số 2546/TCT-DNNCN ngày 23/06/2020 của Tổng Cục Thuế hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 02/06/2020 quy định về mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN

Theo nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012) được điều chỉnh như sau:

-Đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (Mức cũ: 9 triệu đồng/tháng);

-Đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng(Mức cũ: 3,6 triệu đồng/tháng);

Người nộp thuế thực hiện kê khai thuế và tạm nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh mới kể từ:

-Kỳ khai thuế TNCN tạm tính tháng 7/2020 đối với người thuộc diện khai thuế theo tháng

-Kỳ khai thuế TNCN tạm tính quý 3/2020 đối với người thuộc diện khai thuế theo quý

Mức giảm trừ gia cảnh mới áp dụng từ kỳ tính thuế TNCN năm 2020.

Trường hợp các tháng, quý thuộc kỳ tính thuế năm 2020 người nộp thuế đã tạm nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh cũ, người nộpthuế xác định lại số thuế TNCN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020 theo mức giảm trừ gia cảnh mới khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.

3. THUẾ NHÀ THẦU

Công văn số 37026/CT-TTHT ngày 18/05/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thuế nhà thầu đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam

Theo Công văn này, trường hợp Công ty ký hợp đồng với tổ chức tại nước ngoài (không có cơ sở thường trú ở Việt Nam) để thực hiện các dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng tại nước ngoài hoặc thực hiện các dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam thì không thuộc đối tượng phải tính thuế nhà thầu theo quy định tại Điều 2, Điều 12 và Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC.

Tuy nhiên cần lưu ý cách xác định thuế nhà thầu đối với các dịch vụ như dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế như sau:

-Đối với dịch vụ phát sinh từ nước ngoài về Việt Nam (không phân biệt người gửi ở nước ngoài hay người nhận tại Việt Nam trả tiền dịch vụ), khoản tiền mà công ty nước ngoài nhận được không thuộc doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNDN.

-Đối với dịch vụ phát sinh từ Việt Nam đi nước ngoài (không phân biệt người gửi tại Việt Nam hay người nhận ở nước ngoài trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNDN là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoàinhận được không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

4. QUẢN LÝ THUẾ

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/06/2019 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020

So với Luật Quản lý thuế 2006, Luật Quản lý thuế 2019 bổ sung và thay đổi một số điểm chủ yếu như sau:

-Bổ sung thêm quyền của người nộp thuế như: biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, không bị phạt nếu thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, được tra cứu toàn bộ chứng từ điện tử...

-Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cấp MST trước thời điểm bắt đầu sản xuất, kinh doanh

-Thay đổi thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:

+ Kê khai theo tháng: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng kế tiếp

+ Kê khai theo quý: Chậm nhất làngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo

+ Kê khai theo năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch/năm tài chính

+ Quyết toán thuế: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch/năm tài chính

Riêng hồ sơ quyết toán thuế TNCN đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế: Ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch

-Chỉ được khai thuế bổ sung trong thời hạn 10 năm

-Bổ sung trường hợp được miễn thuế: Cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống.

-Luật hóa quy định về hóa đơn điện tử. Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2022.