THÁNG 11 NĂM 2020

日本語版PDF日本語版PDF ベトナム語版PDFベトナム語版PDF 英語版PDF英語語版PDF

Quý khách hàng có thể sử dụng file PDF bên tay phải để lưu trữ và in ấn bản tin.

Cần phiên bản Adobe Reader cập nhật mới nhất

Mục lục

1.  THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Công văn số 3394/CT-TTHT ngày 03/11/2020 của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh về thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú

Tóm tắt nội dung:

Theo công văn này, trường hợp ông A là cá nhân không cư trú chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty cho các thành viên khác thì thuế TNCN từ thu nhập từ chuyển nhượng vốn của ông A được xác định như sau:

Thuế TNCN = Tổng số tiền cá nhân nhận được x Thuế suất 0.1%

Lưu ý:

• Tổng số tiền mà ông A nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại Công ty là giá chuyển nhượng vốn không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá vốn.

• Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Văn bản trích dẫn:

• Khoản 2, Điều 20, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN

2.  THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP - THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Công văn số 5032/TCS-CS ngày 26/11/2020 của Tổng Cục Thuế hướng dẫn xác định thuế TNCN, thuế TNDN đối với chi phí cách ly cho chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc

Tóm tắt nội dung:

Theo công văn này, trường hợp công ty phát sinh chi trả chi phí cách ly cho chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc thì:

• Thuế TNDN: Điều kiện để ghi nhận chi phí được trừ như sau:

➢ Chi phí cách ly tại khách sạn:

- HĐLĐ, trong đó ghi rõ khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động (NLĐ)

- Hóa đơn, chứng từ hợp pháp, thanh toán theo quy định

➢ Chi phí vé máy bay

- Thực hiện theo quy định tại điểm 2.9, khoản 2, điều 6, thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi thông tư 96/2015/TT-BTC)

- Hóa đơn, chứng từ hợp pháp, thanh toán theo quy định

➢ Chi phí xét nghiệm được coi là khoản phúc lợi chi trực tiếp cho NLĐ

- Thực hiện theo quy định tại điểm 2.30, khoản 2, điều 6, thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi thông tư 96/2015/TT-BTC)

- Hóa đơn, chứng từ hợp pháp, thanh toán theo quy định

• Thuế TNCN:

Các khoản chi này được xem là lợi ích của người lao động được hưởng nên phải cộng vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

Văn bản trích dẫn:

• Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài Chính sửa đổi, bổ sung Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về thuế TNDN

• Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN

• Điểm a, Điều 1, Công văn số 7038/VPCP-KTTH ngày 24/08/2020 của Văn phòng Chính phủ về chi phí cách ly, chi phí điều trị Covid-19

3. THUẾ NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI

Công văn số 4827/TCT-CS ngày 12/11/2020 của Tổng Cục Thuế về chính sách thuế nhà thầu trong trường hợp thuê công ty tư vấn luật nước ngoài

Tóm tắt nội dung:

Theo công văn này:

Trường hợp Công ty ký hợp đồng với Công ty Luật có trụ sở tại nước ngoài để được cung cấp dịch vụ về việc soạn thảo và chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch vay vốn theo yêu cầu của ngân hàng cho vay tại nước ngoài và tư vấn về vấn đề pháp lý thì thu nhập mà Công ty Luật có trụ sở ở nước ngoài nhận được từ việc cung cấp các dịch vụ nêu trên do Công ty tại Việt Nam chi trả thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài Chính.

Văn bản trích dẫn:

• Các điều, khoản sau của Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:

- khoản 1, Điều 1

- khoản 3, Điều 2

- khoản 1, Điều 6

- khoản 1, Điều 7

4.  HÓA ĐƠN

Thông tư 88/2020/TT-BTC ngày 30/10/2020 của Bộ Tài Chính sửa đổi quy định về hiệu lực thi hành của Thông tư 68/2019/TT-BTC về hóa đơn điện tử

Tóm tắt nội dung:

Thông tư này sửa đổi, bổ sung điều 26, thông tư 68/2019/TT-BTC ngày 30/09/2019 của Bộ Tài Chính về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, dịch vụ. Theo đó đến ngày 30/06/2022, các quy định sau tiếp tục có hiệu lực:

- Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

- Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ

- Thông tư số 191/2010/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải

- Thông tư số 37/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung thông tư 39/2014/TT-BTC

Bãi bỏ quy định bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/11/2020 tại thông tư 68/2019/TT-BTC.

Thông tư 88/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020.

Văn bản trích dẫn:

• Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

• Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

• Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ

5.  QUẢN LÝ THUẾ

Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (GDLK)

Tóm tắt nội dung:

Một số điểm mới tại nghị định 132/2020/NĐ-CP so với quy định tại nghị định 20/2017/NĐ-CP và nghị định 68/2020/NĐ-CP như sau:

1. Mức khống chế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp phát sinh GDLK

Tổng chi phí lãi vay thuần (lãi vay trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) được trừ không vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần cộng chi phí lãi vay thuần cộng chi phí khấu hao (EBITDA).

Phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn 30% EBITDA.

Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

2. Thay đổi khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn

"Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn" là tập hợp các giá trị từ bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ 75; trung vị của khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là giá trị bách phân vị thứ 50 theo hàm xác suất thống kê.

Như vậy, giá trị ngưỡng dưới tăng thêm 10% so với quy định cũ.

3. Đối tượng được miễn lập hồ sơ xác định giá GDLK

- Người nộp thuế chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là:

+ Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

+ Áp dụng cùng mức thuế suất thuế TNDN với người nộp thuế

+ Không bên nào được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong kỳ tính thuế

- Người nộp thuế thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện:

+ Tổng doanh thu của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng

+ Tổng tất cả các giá trị GDLK phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng

- Người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế

- Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu, bao gồm các lĩnh vực như sau:

+ Phân phối: Từ 5% trở lên

+ Sản xuất: Từ 10% trở lên

+ Gia công: Từ 15% trở lên

4. Thay đổi quy định về báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbCR):

- Người nộp thuế có công ty mẹ tối cao (UPC) ở nước ngoài sẽ không phải nộp CbCR nếu cơ quan thuế Việt Nam có thể nhận được CbCR thông qua cơ chế trao đổi thông tin tự động (AEOI).

- Người nộp thuế có UPC tại nước ngoài mà UPC có nghĩa vụ lập CbCR theo quy định của nước cư trú phải nộp cho Cơ quan thuế trong các trường hợp sau:

+ Quốc gia nơi UPC cư trú có Thỏa thuận quốc tế về thuế với Việt Nam nhưng không có Thỏa thuận của Nhà chức trách có thẩm quyền (MCAA) tại thời điểm đến hạn nộp Báo cáo.

+ Quốc gia nơi UPC cư trú có ký MCAA nhưng đã đình chỉ AEOI hoặc không tự động cung cấp CbCR cho Việt Nam

+ Trường hợp có nhiều hơn 01 công ty con tại Việt Nam, UPC được chỉ định một công ty con tại Việt Nam nộp CbCR. Công ty con được chỉ định nộp CbCR và văn bản thông báo chỉ định của UPC cho cơ quan thuế Việt Nam.

5. Hiệu lực thi hành

Nghị định 132/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020.

Nghị định 20/2017/NĐ-CP và nghị định 68/2020/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày 20/12/2020.

Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2017, 2018 theo quy định mới về mức khống chế lãi vay tại thông tư 68/2020/NĐ-CP phải thực hiện đến trước ngày 01/01/2021.

Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước của năm 2017, năm 2018 lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2020 đến hết năm 2024.

Công văn số 4818/TCT-PC ngày 12/11/2020 của Tổng Cục Thuế giới thiệu điểm mới trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Tóm tắt nội dung:

Công văn này giải thích các nội dung của nghị định 125/2020/NĐ-CP và đối chiếu, so sánh giữa quy định cũ và quy định mới.

Về điều khoản chuyển tiếp:

• Từ ngày 01/07/2020 đến 04/12/2020: Áp dụng các quy định sau để xử phạt:

+ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

+ Nghị định số 129/2013/NĐ-CP

+ Nghị định số 109/2013/NĐ-CP

+ Nghị định số 49/2016/NĐ-CP

• Trường hợp hành vi vi phạm thực hiện trước ngày 05/12/2020 và kết thúc kể từ ngày 05/12/2020 thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm đó.

• Áp dụng Nghị định số 125/2020/NĐ-CP để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính phát sinh từ ngày 05 tháng 12 năm 2020

Văn bản trích dẫn:

• Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn